Kon Plông với nỗ lực giảm nghèo

07/12/2016 17:04

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, huyện Kon Plông đã tích cực đẩy mạnh nhiều giải pháp cụ thể để giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Nhiều chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước như 135, 168, 193 và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; chính sách hỗ trợ sản xuất, chính sách về tín dụng, chính sách hỗ trợ về nhà ở, chính sách hỗ trợ y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục… đã được huyện thực hiện một cách có hiệu quả trong thời gian qua. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể, từ 68,84% đầu năm 2011 xuống còn khoảng 24,11% vào cuối năm 2015.

Trong các chính sách về giảm nghèo, chính sách về tín dụng được huyện Kon Plông áp dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả. Nhờ được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay từ 10-30 triệu đồng/hộ, nhiều mô hình sản xuất như chăn nuôi trâu, bò, heo; trồng keo lai, cây lâm nghiệp cây dược liệu ra đời đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho hộ nghèo. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tích cực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo, giúp họ cải thiện và nâng cao cuộc sống.

Đàn trâu của ông A Đéc thôn Kon Bring xã Đăk Long. Ảnh: L.S

 

Đến nay, huyện Kon Plông có tổng dư nợ trên 63,211 tỷ đồng, được cho vay ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, với hơn 97 tổ tiết kiệm vay vốn ở cơ sở. Nguồn vốn đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trực tiếp đến đúng đối tượng thụ hưởng và vốn vay được bà con sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đã có hàng trăm hộ thoát nghèo, nhiều lao động có việc làm ổn định…

Song song với ưu đãi tín dụng, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn được huyện rất quan tâm. Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen đã mở được 52 lớp dạy nghề, với 1.341 lao động tham gia, đã cấp chứng nhận tốt nghiệp cho 841 học viên, đạt 86,79%. Năm 2016, Trung tâm tổ chức được 20 lớp đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn, đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 473 học viên; đạt 100% chỉ tiêu được UBND tỉnh giao trong năm 2016.

Nhiều lao động nông thôn sau học nghề đã bắt tay xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, lập vườn ươm cây giống bời lời, keo lai; hoặc trở thành thợ xây, thợ mộc giúp nhân dân trong thôn làng dựng nhà 167… góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của huyện trong thời gian qua vẫn chưa thực sự đồng đều và thiếu bền vững do chất lượng đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở khu vực nông thôn còn thấp; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động còn chậm; một số hộ nghèo chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo sử dụng phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi tín dụng còn thấp; việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của huyện chỉ mới tập trung hỗ trợ trực tiếp giống, cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón… Đáng chú ý một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng là một trở lực.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, huyện Kon Plông còn 3.451 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 54,29%, trong đó có 3.448 hộ đồng bào DTTS; hộ cận nghèo còn 595 hộ, chiếm tỷ lệ 9,36%, trong đó có 593 hộ đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2016-2020, huyện Kon Plông đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 6-8%/năm và đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn lại dưới 18% (bình quân mỗi năm giảm 450 hộ nghèo).

Ông Đặng Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, việc xác định hộ nghèo và chính sách giảm nghèo được thực hiện từ đơn chiều sang đa chiều, nghĩa là thu nhập không còn là yếu tố duy nhất để xác định là người nghèo mà chuẩn nghèo mới sẽ dựa trên các yếu tố về y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội.

Vì vậy, theo ông Nam, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao và bền vững, Kon Plông tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả chương trình giảm nghèo; cải thiện đời sống của hộ nghèo nhằm hạn chế gia tăng khoảng cách chênh lệch thu nhập, mức sống; xây dựng Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó có phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu như sâm dây, đương quy, nghệ…

Song song với việc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, huyện tập trung tuyên truyền vận động người nghèo ý thức tự vươn lên, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm. Điều cần nhất, hơn ai hết, chính người nghèo phải nỗ lực vươn lên để thoát nghèo.  

Dương Lê

Chuyên mục khác