Kon Plông: Triển vọng mới từ cây dược liệu

13/07/2017 15:03

Xác định cây dược liệu là chủ lực để phát triển kinh tế, huyện Kon Plông đang tiếp tục đầu tư, quy hoạch trồng, nhân rộng, khai thác tiềm năng và thế mạnh mà loại cây này mang lại.

Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi, qua rà soát, huyện đang tập trung giao về các xã triển khai nhân rộng và phát triển 78,53ha cây dược liệu. Trong đó, tập trung phát triển 6 loại cây dược liệu chính: sâm dây, sâm đương quy, cà gai leo, cây nghệ, sa nhân, lan kim tuyến đồng thời bảo tồn và phát triển 5 loài cây khác: cây sơn tra, cốt toái bổ, ngũ vị tử, chuối rừng.

Là một trong những xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây dược liệu, trong năm 2016, từ các nguồn vốn của chương trình 30a, 135, xã Măng Cành đã hỗ trợ, giúp người dân tại các thôn Tu Ma, Kon Chênh, Kon Du, Tu Rằng trồng 1,34ha sâm đương quy. Với việc chăm sóc kĩ lưỡng, đến nay, vườn sâm đương quy phát triển tốt, có củ và sắp cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Nết – Chủ tịch UBND xã Măng Cành nói rằng, từ những hiệu quả bước đầu, hiện tại, xã đang vận động 45 hộ nghèo làm đất, mở rộng và phát triển 13ha sâm đương quy trong thời gian đến.

“Các hộ sẽ được hỗ trợ toàn bộ nguồn giống cũng như kĩ thuật trồng. Đến nay, bà con đã làm đất, đợi thời tiết thuận lợi sẽ xuống giống” – ông Nết cho hay.

Không chỉ có đương quy, trong năm 2016, 12 hộ dân tại xã Măng Cành đã xuống giống trồng thí điểm 2ha cây nghệ. Và cũng như đương quy, phù hợp với khí hậu nên nghệ ít bị sâu bệnh và phát triển rất tốt. Hiện tại người dân đang tiếp tục chăm sóc và có kế hoạch thu hoạch vào khoảng cuối năm 2017.

Cùng với việc phát triển sâm đương quy, nghệ, theo hướng của huyện, sắp đến 89 hộ nghèo tại xã Măng Cành cũng được hỗ trợ, triển khai trồng 10,5ha sâm dây và 15ha cây cà gai leo. Và trong thời gian đến, các hộ dân cũng được hướng dẫn, trồng thử nghiệm 1ha cây xạ đen.

Hợp khí hậu, cây đương quy tại xã Măng Cành phát triển tốt

 

“Trước đây, bà con chủ yếu trồng cà phê xứ lạnh, mì, lúa… 2 năm trở lại đây, được định hướng của huyện, bà con đã chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Hiện tại một số loại cây sau khi xuống giống phát triển khá tốt, hi vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao” – ông Nết chia sẻ.

Nhận thấy hiệu quả từ cây dược liệu, những năm trước, các hộ dân trên địa bàn xã Măng Bút cũng tìm hiểu và xuống giống trồng sâm dây, sâm đương quy. Tuy nhiên, vì làm tự phát, trồng nhỏ lẻ nên giá trị kinh tế chưa cao. Vừa qua, khi có định hướng của huyện, xã Măng Bút đã tiến hành hỗ trợ, hướng dẫn cho các hộ dân trồng 1ha sâm đương quy, 2ha cây nghệ. Cùng với đó, các hộ dân cũng đã đăng kí làm đất, đang đợi trời mưa để trồng 7,5ha cây sâm dây.

Bên cạnh một số loại dược liệu trên, vừa qua, huyện cũng đã trồng thử nghiệm 0,03ha lan kim tuyến tại xã Đăk Long. Trong thời gian đến huyện tiếp tục trồng thử nghiệm 1,5ha cây chùm ngây tại xã Ngọc Tem, 2ha cây xạ đen tại xã Măng Cành và xã Hiếu, 2ha cây atisô trên địa bàn xã Đăk Long và 0,12ha cây ba kích tím tại xã Đăk Long.

Nhân giống, trồng thử nghiệm cây kim tuyến

 

Ngoài diện tích cây nhân rộng, thử nghiệm, xác định cây dược liệu là chủ lực phát triển kinh tế, huyện Kon Plông cũng đã có dự kiến quy hoạch, phát triển 355ha cây dược liệu. Trong đó, quy hoạch trồng 120ha cây sâm dây, 30ha trồng cây sa nhân, 40ha sâm đương quy, 85ha cà gai leo, 75ha cây nghệ và nhân rộng 5ha cây lan kim tuyến.

Để tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện, từ khi triển khai, UBND huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ nhân dân trồng thử nghiệm cây dược liệu.

Đồng thời, để phát triển lâu dài, nhân rộng, đưa loại cây này thành chủ lực phát triển kinh tế, UBND huyện đã khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào trồng, nhân rộng các loại cây dược liệu đã trồng thử nghiệm thành công.

“Huyện thu hút được 18 dự án liên quan đến trồng, phát triển các loại cây dược liệu; liên kết, ký kết hợp đồng với 4 công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con khi thu hoạch. Trong thời gian đến, huyện sẽ sát sao theo dõi, hướng dẫn bà con kịp thời để việc phát triển cây dược liệu đem lại hiệu quả khả quan, giúp người dân thoát nghèo bền vững” – ông Tín cho hay.

Bài, ảnh: Hoài Tiến

Chuyên mục khác