Kon Plông: Tìm giải pháp để phát triển du lịch

03/09/2020 06:01

Huyện Kon Plông có khí hậu mát mẻ, hệ động vật và thực vật quý hiếm, đồng thời có bản sắc văn hóa độc đáo của các DTTS tại chỗ. Chính vì thế, ngày 4/12/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1237/QĐ-UBND “về phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen” (viết tắt là Quyết định số 1237). Trải qua gần 5 năm thực hiện, đến nay, diện mạo ngành du lịch của huyện đã có nhiều khởi sắc.

Những bước đi đúng hướng

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Từ khi có Quyết định số 1237 đến nay, Đảng bộ, chính quyền huyện đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Trong đó, hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp; việc chỉnh trang đô thị được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, qua đó góp phần làm cho bộ mặt đô thị Măng Đen trở thành điểm nhấn về du lịch. Các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ du lịch tăng nhanh về số lượng và hoàn thiện về chất lượng, sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú. Đặc biệt, sản phẩm của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) ngày càng nhiều và phong phú hơn, được doanh nghiệp tiêu thụ và người tiêu dùng biết đến rộng rãi thông qua hình thức du lịch tham quan tại các nhà vườn sản xuất NNƯDCNC. Nhờ đó, các chỉ số về phát triển du lịch cũng như NNƯDCNC gắn với du lịch sinh thái, du lịch trang trại đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đối với lĩnh vực NNƯDCNC gắn với du lịch sinh thái, du lịch trang trại cũng có nhiều bước chuyển biến tích cực. Toàn huyện hiện có 18 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 2 trang trại, 22 hộ cá thể sản xuất NNƯDCNC. Theo đó, giá trị sản xuất NNƯDCNC hàng năm gần 50 tỷ đồng, đạt gần 12% so với giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 47 dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp với tổng diện tích đất giao và cho thuê là 3.169,6 ha, có tổng nguồn vốn đăng ký 7.471,7 tỷ đồng. Toàn huyện đã huy động 734,264 tỷ đồng đầu tư NNƯDCNC. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 91,264 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và hợp tác xã 629,007 tỷ đồng, vốn hộ gia đình 14 tỷ đồng.

Khu nhà màng-Ban Quản lý Khu NNƯDCNC Măng Đen. Ảnh: V.H 

 

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, chế biến, tiêu thụ sản phẩm được huyện triển khai một cách có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã chế biến một số sản phẩm từ dược liệu và nước giải khát, như: cao đẳng sâm, cao đương quy, tinh dầu tiêu rừng, rượu đẳng sâm, rượu sim, nước ép dược liệu, trà túi lọc, nước chanh dây... và UBND tỉnh đã xếp loại 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Mặc dù từ đầu năm đến ngày 20/8 đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng đến lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhưng tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen đón khoảng 153.700 lượt khách du lịch, trong đó có 150.650 lượt khách nội địa và 3.050 lượt khách nước ngoài. Theo đó, công suất sử dụng phòng tại các điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú khoảng 45%.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong 5 năm qua là những tín hiệu rất đáng mừng cho việc định hướng phát triển du lịch của huyện Kon Plông theo Chương trình số 35-CTr/TU, ngày 18/5/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển NNƯDCNC gắn với du lịch sinh thái, du lịch trang trại theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển NNƯDCNC gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đây là tiền đề, là cơ sở vững chắc để Đảng bộ, chính quyền huyện xây dựng các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Những giải pháp căn cơ

Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Thanh Nam cho biết thêm: Phát huy những thành quả đó, trong thời gian tới, huyện Kon Plông đã có những giải pháp căn cơ để phát triển du lịch có tính bền vững. Trong đó, tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, NNƯDCNC, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành về vai trò phát triển du lịch trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong đó, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau để tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp để họ biết đến Kon Plông nhiều hơn, tìm hiểu cơ hội đầu tư NNƯDCNC nhiều hơn.

Đồng thời, UBND huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch thương mại đầu tư cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đối với thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong đó, vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông nghiệp quy mô khu vực, quốc gia và quốc tế nhằm tạo sự đa dạng liên hoàn trong các loại hình du lịch, góp phần tăng tính hấp dẫn thu hút khách lưu trú. Mặt khác, xây dựng thông tin về dịch vụ và giá cả hàng hóa trên Trang thông tin điện tử huyện và hệ thống thông tin đại chúng để phục vụ du khách. Khuyến khích xây dựng các công trình có kiến trúc đặc thù của đồng bào DTTS gắn với việc khai thác tài nguyên nhân văn, tô đậm bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS địa phương để tạo ra điểm tham quan hấp dẫn cho khách du lịch.

Hồ Đăk Ke. Ảnh: V.H 

 

Bên cạnh đó, UBND huyện tiếp tục rà soát, triển khai lập quy hoạch chi tiết khu NNƯDCNC Măng Đen và kiên quyết thu hồi chủ trương, quyết định giao đất nhưng nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện. Tiếp tục rà soát diện tích đất để phát triển cánh đồng lớn, tiến tới dồn đổi, tích tụ ruộng đất để phát triển NNƯDCNC. Huy động các nguồn lực của huyện, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương và nguồn vốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thương mại. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng để thúc đẩy giao lưu hàng hóa, xây dựng và phát triển tuyến du lịch sinh thái tới các vùng sản xuất trang trại rau, hoa công nghệ cao gắn với làng nghề truyền thống để tạo sản phẩm riêng biệt cho từng địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn với các loại hình dịch vụ tiện ích, phong phú đa dạng và xây dựng chương trình văn hóa ẩm thực đặc sắc, đặc trưng nhằm thu hút du khách nâng cao chất lượng tour du lịch.

Đặc biệt, UBND huyện chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch đồng bộ cả về số lượng lẫn chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp kêu gọi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ cao về lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu về nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ ngành nông nghiệp, khoa học-công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và đưa ra các giải pháp cụ thể để giữ gìn hệ sinh thái rừng hiện có trên địa bàn…

Có như vậy, du lịch Kon Plông mới thực sự “cất cánh” và gần gũi với thiên nhiên.

Toàn huyện Kon Plông hiện có 20/23 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, tăng 3 cơ sở so với kế hoạch 5 năm nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, đã có 227 phòng đảm bảo phục vụ cho khoảng 900 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày, công suất sử dụng đạt 75% trở lên. Nhờ đó, khách du lịch đến Măng Đen tăng trung bình khoảng 26,4%/năm, doanh thu tăng từ 60 tỷ đồng năm 2018 và kế hoạch năm 2020 ước đạt 97 tỷ đồng.

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác