Kon Plông thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

23/03/2021 13:03

Xác định kinh tế nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương, thời gian qua, huyện Kon Plông quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, căn cơ, phù hợp điều kiện sản xuất của huyện.

Theo đó, huyện chú trọng thực hiện các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm như sản xuất lúa gạo đỏ, cà phê xứ lạnh; bí Nhật; bắp sinh khối; cây dược liệu; rau, quả an toàn; cây sả Java; bò sinh sản; heo địa phương nhằm từng bước ổn định trong sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa lớn, phục vụ nguyên liệu cho chế biến...

Đến nay tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện được 155,4ha; trong đó diện tích nhà màng, nhà kính 19,5ha, diện tích áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương 155,4ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện chủ động thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư, triển khai Dự án nuôi dê sữa ứng dụng công nghệ cao, đã hoàn thành 12 chuồng nuôi với diện tích 2,5 ha, số lượng 5.500 con, thực hiện quy trình chăn nuôi VietGAP, hướng tới GlobalGAP, sử dụng công nghệ vắt sữa của Đức; thực hiện Dự án nuôi cá nước lạnh có diện tích 600m2 (nuôi lồng 100m2, nuôi bể 500m2), đơn vị nuôi cá áp dụng công nghệ sục khí oxy để tăng hàm lượng oxy hòa tan.

Đàn lợn của anh A Thấp ở xã Pờ Ê. Ảnh: QĐ 

 

UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng tích cực vận động doanh nghiệp, hộ dân trồng, phát triển một số cây dược liệu chủ yếu như sâm dây, sa nhân, đương quy, nghệ, xạ đen, đinh lăng với tổng diện tích tính đến năm 2020 đạt 151,5ha; trong đó, diện tích do các doanh nghiệp sản xuất 50ha, các hộ dân trên địa bàn huyện hơn 100ha; riêng cây sa nhân chiếm gần chiếm 50% diện tích. Song song với đó, huyện tiến hành khoanh vùng, bảo tồn, khai thác và phát triển các loại cây dược liệu như kim cương, ngũ vị tử, sơn tra, chè dây, cốt toái bổ, cây chuối rừng, sim rừng … với tổng diện tích 778ha.

Ông Phạm Thanh Bình- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Trên cơ sở quyết định của UBND huyện giao chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2021, Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến chỉ tiêu kế hoạch đến với nông dân để chủ động sản xuất; đồng thời đề nghị UBND các xã, thị trấn tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể, phân bổ chỉ tiêu cho từng thôn để tổ chức sản xuất theo kế hoạch đề ra.

Hiện UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân sửa chữa, tu bổ, gia cố lại hệ thống các công trình thủy lợi, tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, làm đập tạm, đập bổi để dẫn nước về đồng ruộng; đồng thời chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện khắc phục, sửa chữa các công thủy lợi bị hư hỏng do mưa bão gây ra năm 2020 nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Riêng các tuyến kênh, mố trụ đã bị sạt lở, gãy đổ, huyện đang tiến hành khảo sát thiết kế để đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành trong đầu quý II-2021 với tổng số tiền khắc phục 3.400 triệu đồng. Chỉ riêng đợt ra quân xây dựng nông thôn mới vào đầu năm nay, nhân dân trong huyện đã nạo vét, phát dọn kênh mương thủy lợi 3.836 km; sửa chữa, nạo vét đập thủy lợi đầu mối 51 công trình.

Vườn rau xanh sản xuất theo tiêu chuẩn sạch của anh Lê Văn Tú ở thôn Tu Rằng, xã Măng Cành. Ảnh: QĐ 

 

Ông Phạm Thanh Bình cho hay, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tăng cường công tác thông tin thời tiết, dự báo, dự tính tình hình sâu bệnh hại để người dân chủ động trong sản xuất và phòng, chống sâu bệnh hại, hạn hán. Phối hợp trong việc kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi và đẩy nhanh tiến độ khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng do ảnh hưởng của các cơn bão trong năm 2020; đồng thời vận động nhân dân tu sửa, gia cố, nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy để đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Phấn đấu trong năm 2021, tổng diện tích cây hàng năm toàn huyện gieo trồng khoảng 7.868ha; trong đó diện tích cây lúa cả năm 3.612ha, cây bắp 1.820ha, cây mì 1.430ha, diện tích trồng cây dược liệu 226ha, diện tích rau, hoa, quả xứ lạnh 340ha và cây hàng năm khác 440ha. Phấn đấu tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 20.767 tấn; trong đó thóc 13.552 tấn, ngô 7.225 tấn. Tổng diện tích cây lâu năm 1.908,6ha (trồng mới 65,9ha). Tổng đàn gia súc 44.366 con; trong đó đàn trâu 9.965 con, đàn bò 6.872 con, đàn heo 18.765 con, đàn dê 8.764 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 52,2ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 280 tấn...

Quang Định

Chuyên mục khác