Kon Plông: Thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển

06/05/2021 13:08

Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, có cơ chế chính sách phát triển các thành phần kinh tế, thời gian qua, huyện Kon Plông còn chú trọng hỗ trợ phát triển loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (gọi tắt là kinh tế hợp tác).

Trên địa bàn huyện Kon Plông có 34 hợp tác xã (HTX), nhưng đến nay  chỉ còn 21 HTX đang hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký 46.880 triệu đồng. Ngoài ra, huyện Kon Plông có 49 tổ hợp tác (THT) với tổng số 453 thành viên tham gia. Các THT trên địa bàn huyện hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương tạo điều kiện cho HTX, THT hoạt động và phát triển nhưng các HTX, THT gặp khó khăn trong hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Đức Tín- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế hợp tác còn chậm. Nguồn ngân sách nhà nước dành để thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX rất ít; cá biệt có những chính sách không được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách đến HTX. Nhiều HTX còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu tính chủ động trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, dẫn đến chất lượng hoạt động kém. Thậm chí, có HTX đã thành lập một thời gian nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. Năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý các HTX còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.   

Mặt khác, quy mô HTX nhỏ, thiếu vốn kinh doanh, chưa có sự gắn kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất hàng hóa. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chưa chủ động đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất-kinh doanh, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Số HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ còn ít.

Bên cạnh đó, hầu hết các các HTX còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, hoạt động mang tính tự phát nên phát triển chưa bền vững. Việc ứng dụng, khai thác hiệu quả của máy móc, trang thiết bị hiện đại vào hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế nên chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, dẫn đến tình trạng có rất ít HTX làm được dịch vụ đầu ra sản phẩm cho thành viên, vì vậy doanh thu, lợi nhuận chưa cao.

Mô hình trồng rau hữu cơ của HTX Rau hoa Măng Đen. Ảnh: Q.Đ

 

Ông Lê Đức Tín cũng cho biết thêm: Thời gian tới, huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển; Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý HTX, nghiệp vụ kế toán, kỹ năng xây dựng kế hoạch, quản lý sản xuất, kinh doanh. Triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình HTX tiên tiến gắn với chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi để phổ biến và nhân rộng. Huyện sẽ ưu tiên cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các HTX sử dụng nhiều lao động, HTX thực hiện các chương trình mục tiêu kinh tế mũi nhọn của huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất của huyện. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các HTX tại các hội chợ thương mại tổ chức trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào HTX đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh. Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp nhằm tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân và trang trại tham gia THT, HTX và các hình thức liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Khuyến khích, hỗ trợ các HTX mở rộng ngành, nghề trong các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ cơ khí, vận tải ở nông thôn, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, cung cấp xăng dầu, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, tham gia đấu thầu các công trình xây dựng hạ tầng nông thôn (đường giao thông nông thôn, thủy lợi, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, trạm xá). Tạo điều kiện và giao cho các HTX có năng lực, đủ điều kiện tham gia thực hiện các dự án, đề án tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Quang Định

Chuyên mục khác