Kon Plông: Phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

11/09/2022 13:01

Nhằm khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu trên địa bàn thuận lợi, thích hợp với việc trồng trọt các loại cây ăn quả, những năm qua, huyện Kon Plông quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Vườn cây công nghiệp và cây ăn trái tổng hợp của gia đình anh Trần Khắc Lượng. Ảnh: QĐ

 

Mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của ông Trần Khắc Lượng, 55 tuổi ở thị trấn Măng Đen là một ví dụ điển hình.

Ông Lượng quê ở Nghệ An, vào Lâm Đồng lập nghiệp từ năm 1994. Năm 2013, nghe người quen giới thiệu, ông nhiều lần qua Măng Đen tìm hiểu điều kiện đất đai, khí hậu, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của huyện Kon Plông.

Sau 7-8 chuyến đi khảo sát thực tế, ông Lượng trở về Lâm Đồng bàn bạc với vợ con sản chuyển sang Măng Đen định cư lập nghiệp, khởi đầu một hành trình mới. Với số vốn mang theo, ông mua 6ha đất rẫy của người dân địa phương để trồng cây ăn quả và cây cà phê.

Năm 2014, ông Lượng vay ngân hàng 200 triệu đồng đầu tư trồng các loại cây ăn quả như bơ, chanh, cam, quýt, ổi, nhãn, vải, mận Bắc, hồng xiêm..., trồng xen với cây cà phê. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thu nhập được bao nhiêu ông đều đầu tư mở rộng diện tích, đào thêm 3 ao để giữ nước tưới cho cây trồng và nuôi cá. Khu đất sản xuất của gia đình ông hiện nay phát triển lên gần 10ha.

Trả xong nợ vay cũ, năm 2018 gia đình ông Lượng vay ngân hàng 800 triệu đồng để xây dựng mô hình sản xuất trang trại vườn - ao - chuồng khép kín, nuôi thêm gia cầm.

“Tôi trả lãi vay và nợ gốc đúng hạn nên khi lập dự án phát triển sản xuất kinh doanh, cán bộ ngân hàng vào trang trại thẩm định tính hiệu quả nên mới đồng ý cho vay. Đến nay, tôi đã trả xong nợ vay ngân hàng, mô hình kinh tế trang trại đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ổn định hàng năm trên 500 triệu đồng” - ông Lượng chia sẻ.

Thời gian qua, UBND huyện Kon Plông quan tâm chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch vùng trồng tập trung cho các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã và có chính sách hỗ trợ giống, khuyến khích nhân dân phát triển trồng cây ăn quả phân tán trong các hộ gia đình.

Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn huyện Kon Plông đạt trên 1.000ha; trong đó 138ha bơ, 147ha mít, 181ha cây có múi (cam, bưởi) , 110ha hồng giòn, 50ha nhãn, 50ha vải...

Đối với các xã có khí hậu nóng như Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem, huyện Kon Plông tập trung chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền cơ sở tích cực vận động, hướng dẫn người dân phát triển các loại cây ăn quả như mít, bơ, nhãn, vải, cam, sầu riêng… Các xã có khí hậu lạnh như Măng Bút, Đăk Tăng, thị trấn Măng Đen, xã Hiếu, Pờ Ê, thì chú trọng phát triển các loại cây như hồng giòn, cam, bơ, bưởi, mít, vải, cherry, việt quất...; phấn đấu trong năm 2022, trồng mới 350 ha.

Ông Đào Duy Khánh - Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã ban hành một chương trình riêng về phát triển cây ăn quả, giao UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đến năm 2025.

Theo đó, từ năm 2022-2025, phấn đấu thực hiện trồng mới 676ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện Kon Plông đạt 1.300ha, gồm các loại cây như bơ sáp, mít Thái, nhãn, vải, hồng giòn, mãng cầu, ổi...; trong đó vùng trồng cây ăn quả tập trung 800ha; tổng sản lượng cây quả đạt 19.500 tấn/năm.

Ngoài những cây ăn quả chủ lực nêu trên, huyện Kon Plông chỉ đạo các xã căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, tiểu vùng sinh thái, bố trí trồng mới một số loại cây ăn quả đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cherry, việt quất, lê, táo đỏ, vú sữa Hoàng Kim, sầu riêng. Hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn; tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững nhằm thu hút các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư. Phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất cây ăn quả trên địa bàn đạt 210 tỷ đồng; trong đó bình quân giá trị thu nhập/ha/năm đối với vùng trồng tập trung đạt 200 triệu đồng; có 70% tổng diện tích sản xuất cây ăn quả đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm (trong đó có 50% diện tích được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, Viet Gap, hữu cơ).    

Quang Định

Chuyên mục khác