Kon Plông: Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển

14/02/2023 06:44

Ngày 31/1/2002, huyện Kon Plông được chia tách và thành lập theo Nghị định số 14/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Qua 21 năm xây dựng và phát triển, huyện Kon Plông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực.

Huyện Kon Plông có diện tích tự nhiên 137.124,58ha. Là địa phương miền núi với trên 80% hộ dân là đồng bào DTTS (Xơ Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hrê). Ngay từ khi mới được thành lập, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, sản xuất chưa phát triển, đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ biết phát huy những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Kon Plông đã nhanh chóng tập trung phát triển các cây lâm nghiệp, cây dược liệu; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng các loại cây ăn quả giá trị cao, các loại rau, củ chất lượng.

Thị trấn Măng Đen ngày nay. Ảnh: ĐT

 

Từ những định hướng, quyết sách đúng đắn trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện, cùng sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, sau 21 năm xây dựng và phát triển, đến nay, huyện Kon Plông đã đạt thành tựu nổi bật: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 20%; tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 3.365,4 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 2,9 triệu đồng lên 36 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng từ 10 tỷ đồng lên 557,8 tỷ đồng.

Dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa cộng đồng, tâm linh, dã ngoại, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp tại Kon Plông, nhất là tại thị trấn Măng Đen và vùng lân cận ngày càng phát triển. Hệ thống, hạ tầng cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, các điểm vui chơi giải trí được nâng cấp đồng bộ. Hằng năm, huyện Kon Plông đón hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, du lịch.

Đối với sản xuất nông nghiệp, hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có các dự án lớn đang được triển khai, như dự án quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP dược liệu và thực phẩm Măng Đen; dự án nông trại hữu cơ của Công ty TNHH Kon Tum Bellest liên doanh với Hàn Quốc; dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Kon Plông AGRI-TOURISM liên doanh với Australia; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đông Phương liên doanh với Nhật bản.

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên địa bàn huyện Kon Plông hiện nay hơn 210ha. Huyện có 21 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 3 trang trại, 5 hộ dân sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, 1 tổ hợp tác (gồm 10 hộ dân) và 1 vùng sản xuất lúa gạo đỏ với diện tích 20ha được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; 34 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.

Huyện Kon Plông đẩy mạnh phát triển nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Đ.T

 

Ông Đặng Quang Hà- Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, trong thời gian tới, huyện Kon Plông định hướng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng lợi thế; phát triển thương mại, dịch vụ; tập trung nguồn lực phát triển Vùng du lịch sinh thái Măng Đen; tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; phát triển bền vững văn hóa xã hội; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa- xã hội.

Đồng thời, tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính, phối hợp với các ngành của tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục thu hút đầu tư các dự án đến tìm hiểu tại địa phương. Tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, người sản xuất định kỳ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Tiếp tục lồng ghép và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, cải cách hành chính và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn với sự tham gia của các ngành đoàn thể và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chú trọng nâng cao chất lượng đời sống của người dân, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS.    

Đức Thành

Chuyên mục khác