Kon Plông: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

11/08/2019 13:08

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, huyện Kon Plông lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với các nội dung xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đã đạt được nhiều kết quả tích cực...

Ông Lê Tấn Hiển - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kon Plông cho biết: Trong xây dựng nông thôn mới, huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia, và trên thực tế, đã có hàng trăm cuộc họp cấp xã, thôn được tổ chức trong gần 3 năm qua. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình đã được nâng cao; người dân tham gia nhiệt tình phong trào “Kon Plông chung sức xây dựng nông thôn mới”; nhiều công trình được hoàn thành từ nguồn đóng góp kinh phí, công sức của nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Trong quá trình triển khai Chương trình, các cấp ủy đảng đã chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để bàn bạc, thảo luận trong cấp ủy và xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả, từ đó tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị; sự phối hợp giữa chính quyền, mặt trận và các tổ chức thành viên trong thực hiện Chương trình ngày càng cụ thể và hiệu quả.

Tính đến nay, UBND huyện đã bố trí cho các xã 65,344 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó, 45,077 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới 40 công trình đường giao thông nông thôn, đường đi khu sản xuất và 9 công trình cầu treo; 9,622 tỷ đồng xây dựng mới 12 công trình thủy lợi; 2,94 tỷ đồng xây dựng mới 18 nhà văn hóa thôn và 38 khu thể thao thôn; 4,929 tỷ đồng xây dụng mới 8 công trình nước sinh hoạt...

UBND huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, như cà phê, dược liệu, rau, hoa, lúa gạo đỏ và mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng nông sản của huyện; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập.

Bà con thôn Đăk Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông thi công đường nội thôn. Ảnh: TVP

 

Bên cạnh đó, huyện kêu gọi thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho hộ dân đảm bảo bền vững, lâu dài, giúp người dân an tâm sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã có 3 doanh nghiệp đăng ký liên kết, hỗ trợ giống, phân bón ban đầu cho nhân dân sản xuất, khấu trừ vào sản phẩm sau thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân; hệ thống siêu thị Big C Miền Trung đã ký kết bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả xứ lạnh. Đồng thời, huyện triển khai các dự án xây dựng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, như đảng sâm, đương quy, đinh lăng, mật ong rừng, gạo đỏ…

Đến nay, toàn huyện có 25 dự án của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp với 889,71ha, trong đó có 2 dự án đăng ký nuôi cá nước lạnh với 3,8ha; 15 dự án đầu tư nông nghiệp kết hợp các loại hình khác với 779,42 ha; 20 dự án của hộ gia đình đăng ký đầu tư sản xuất nông nghiệp với 157,99 ha; 1 dự án đón nhận 37 hộ dân kinh tế mới phát triển rau, hoa, quả xứ lạnh và các loại cây trồng khác với 49,5 ha.

Các dự án của các doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường, điện, nước sinh hoạt, nhà ở, nhà kho, khu sản xuất; hệ thống nhà lồng và nhà kính khoảng 40.200m2; hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân theo công nghệ Israel, tưới phun sương để phục vụ cho sản xuất…

Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được bán ra thị trường, như dâu tây, cà chua bi, bí Nhật, bắp sú, ớt chuông, khoai tây, súp lơ, xà lách, cam, bưởi, chanh, bơ, chuối... Ngoài ra còn có các sản phẩm từ cây giống nuôi cấy mô, như lan kim tuyến, ba kích tím, chuối và một số giống hoa xứ lạnh...

Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cũng được huyện triển khai đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 32,55%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên ở khu vực nông thôn đạt 90,36%; 100% số xã duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, 100% số xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được triển khai đến tuyến xã và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,9%, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 98%...

Toàn huyện đã có xã Pờ Ê đạt 18 tiêu chí; xã Đăk Long đạt 16 tiêu chí; các xã Măng Cành, Ngọc Tem, Đăk Tăng đạt 15 tiêu chí; các xã Măng Bút, Đăk Ring, Hiếu, Đăk Nên đạt 12 tiêu chí.   

Ông Lê Tấn Hiển cho biết thêm: Trong thời gian tới, toàn huyện tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quan điểm, mục đích, nội dung, phương châm, cách làm trong xây dựng nông thôn mới, qua đó phát huy nội lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; thực hiện tốt phương châm “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Đồng thời, tiếp tục huy động, phân bổ và lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, các chương trình, dự án trên địa bàn huyện; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại các xã; hỗ trợ nhân dân liên kết với các doanh nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ, chế biến sản phẩm để đảm bảo sản xuất mang lại hiệu quả cao… Phấn đấu đến cuối năm 2019, có 2 xã Pờ Ê, Đăk Long đạt chuẩn nông thôn mới và mỗi xã trên địa bàn đạt thêm từ 1 tiêu chí nông thôn mới trở lên…        

Nguyên Hà

Chuyên mục khác