Kon Plông: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đàn gia súc

11/03/2018 13:01

​Xác định chăn nuôi là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Kon Plông luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đàn gia súc và phát triển đàn gia cầm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện hiện có 40.000 con; trong đó đàn trâu có gần 8.600 con, đàn bò có gần 5.700 con; đàn dê có 10.380 con; đàn heo hơn 15.300 con. Số lượng đàn gia súc liên tục tăng qua từng năm.

Để có được kết quả này, thời gian qua, các cấp, các ngành của huyện đã thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích nhân dân tăng số lượng đàn; chú trọng lai tạo, cải thiện giống gia súc địa phương...

Trước hết, để mở rộng số lượng đàn gia súc, trong các năm qua, huyện Kon Plông đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân dành các nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển chăn nuôi. Ngành Nông nghiệp tiến hành mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, hạn chế thiệt hại giúp người dân vững tin để phát triển đàn.

Chăn nuôi bò ở Kon Plông. Ảnh: T.H

 

Để giúp các hộ nghèo có cơ hội chăn nuôi bò, UBND huyện Kon Plông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp hỗ trợ 100 con bò giống sinh sản thuộc nguồn tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Kon Tum cho các hộ nghèo 3 xã Ngọc Tem, Pờ Ê và Đăk Ring. Trong đó, xã Ngọc Tem có 40 con, xã Pờ Ê có 30 con và xã Đăk Ring có 30 con. Bò được nuôi theo hình thức luân phiên, khi bò mẹ sinh sản được bê cái thì sẽ chuyển bò mẹ cho hộ nghèo khác, cứ thế nhiều hộ sẽ có điều kiện chăn nuôi bò.

Song song với việc phát triển số lượng, Kon Plông đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng của đàn gia súc để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Theo đó,  UBND các xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc tốt đàn gia súc, lai tạo đàn bò và đàn heo. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có một số gia đình ở các xã Đăk Long, Măng Cành, Hiếu, Đăk Nên đã biết đầu tư nuôi bò lai lấy thịt và lấy giống để lai tạo đàn bò địa phương.

Tại xã Ngọc Tem, UBND xã đã hỗ trợ 1 tủ lạnh đựng tinh trùng, 2 xi lanh tiêm, 1 bình nitơ, 1 súng bắn tinh cho một số hộ dân biết kỹ thuật phối tinh để hỗ trợ phối tinh cho đàn gia súc của người dân trong xã. Một số hộ dân tại thôn Măng Đen (xã Đăk Long), Kon Tu Rằng  (xã Măng Cành) đã biết nhờ cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ phối tinh cho đàn bò, đàn heo của gia đình.

Bên cạnh đó, huyện Kon Plông cũng khuyến khích người dân, các doanh nghiệp,  tổ hợp tác phát triển chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn. Trong đó, đàn trâu tập trung tại các xã có khí hậu lạnh như Măng Bút, Măng Cành, Hiếu, Đăk Long, Đăk Tăng; đàn bò tại các xã nằm ở vùng ấm như Ngọc Tem, Đăk Ring, Đăk Nên; đàn heo tại tất cả các xã, đàn dê tại xã Măng Cành. Việc chăn nuôi hiện nay đang dần theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như chăn nuôi dê ở Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen (tại thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành); nuôi gà, heo ở Công ty TNHH Hoàn Vũ Măng Đen và một số trang trại tại xã Đăk Long.

Đảm bảo dinh dưỡng và thức ăn cho đàn gia súc cũng là vấn đề được huyện Kon Plông quan tâm. Các ngành chức năng trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp với các xã tuyên truyền, khuyến cáo người dân bổ sung các loại thức ăn công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn; đồng thời, hướng dẫn người dân tận thu các loại thức ăn thô, xanh, phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp, cỏ...

Đặc biệt, nhiều hộ dân đã biết chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để bổ sung và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc khi trời rét hoặc mưa bão. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 6ha cỏ voi.

Người dân cũng từng bước thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi; hạn chế chăn nuôi thả rông, đã biết làm, gia cố chuồng trại nuôi nhốt trâu bò, chăn nuôi gắn liền với chăn dắt, tích cực phòng chống rét cho đàn gia súc.

Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích người dân phát triển các dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, ở xã Măng Cành đã có một số cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Phát triển chăn nuôi trâu ở Kon Plông. Ảnh: T.H

 

Với những giải pháp thiết thực của huyện Kon Plông, chất lượng, sản lượng đàn trâu, bò trên địa bàn đã được nâng lên. Hiện nay, trọng lượng bình quân của đàn trâu khi trưởng thành đạt khoảng 230kg/con, đàn bò đạt khoảng 170kg/con, dê đạt khoảng 30kg/con, heo đạt trên 40kg/con.

Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được ngành Nông nghiệp và người dân chú trọng. Hàng năm, huyện đều triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc từ 1 – 2 đợt; thường xuyên thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm , kiểm dịch động vật. Qua đó, đã  góp phần ngăn chặn được các loại dịch bệnh đã xảy ra và lây lan ra diện rộng, hạn chế rủi ro, thiệt hại trong chăn nuôi.

Nâng cao chất lượng đàn gia súc để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp của huyện Kon Plông. Qua đó, tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống; mở ra nhiều cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho nông dân, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Thiên Hương

Chuyên mục khác