Kon Plông: Mở hướng cho người dân trồng cà phê xứ lạnh

11/01/2019 06:29

​Năm 2014, huyện Kon Plông bắt đầu triển khai Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh (Catimo) cho hộ nghèo trên địa bàn. Nhờ cây cà phê, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, đến nay, huyện Kon Plông tiếp tục có hướng liên kết với các doanh nghiệp để thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê xứ lạnh.

Đưa chúng tôi đi thăm đồi cà phê bạt ngàn của gia đình được trồng xen với đương quy, chị Y Duân ở làng Kon Vơng Kia 2 (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) vui mừng cho biết, nhờ có cây cà phê gia đình chị không những thoát nghèo mà còn có cơ hội để vươn lên làm giàu.

Kể chuyện chuyển đổi trồng cà phê của gia đình mình, chị Y Duân cho biết “đấy là cả một quá trình gian nan mới đi đến thành công”. Bởi trước đây, khi chưa có Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh của Nhà nước, chị Y Duân đã mạnh dạn đi tiên phong ở làng trong việc chuyển đổi cây mì, cây bắp sang trồng cây cà phê.

Để có giống cây trồng, chị Y Duân ngày ấy phải tự đi tìm hạt cà phê, rồi mày mò ươm vài chục cây giống trồng thử nghiệm xen với cây mì. Dần dà thấy cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, chị Y Duân quyết định chuyển đổi 3 sào đất trồng mì sang trồng cà phê. Sau khi có Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và tham gia lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây cà phê Catimo, chị Y Duân mạnh dạn chuyển đổi hết 5 sào đất rẫy còn lại của gia đình sang trồng cây cà phê giống mới để thoát nghèo bền vững và có cơ hội vươn lên làm giàu.

Nhờ nỗ lực và quyết tâm, mỗi năm, vườn cà phê trồng xen đương quy của gia đình chị Y Duân cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Hiện nay, chị Y Duân là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở làng Kon Vơng Kia 2.

Thăm vườn cà phê mới trồng thêm của gia đình chị Y Duân

 

Vườn cà phê của gia đình anh A Ly ở thôn Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu cho thu hoạch từ năm ngoái. Anh A Ly cho biết, trước kia trồng mì, cả năm chỉ thu về chưa tới 10 triệu đồng; thì năm ngoái, từ 5 sào cà phê, gia đình anh thu được 6 tấn cà phê tươi, bán được 40 triệu đồng. Nguồn thu nhập từ vườn cà phê đã giúp gia đình A Ly đầu tư sửa sang lại nhà ở.

Vụ thu hái cà phê năm nay năng suất cao hơn năm trước càng khiến A Ly phấn khởi hơn. A Ly cho biết: “Năm 2015, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ trồng 2.500 cây cà phê Catimo. Nhận thức được giá trị kinh tế của loại cây trồng này nên gia đình cố gắng chăm sóc thật kỹ lưỡng để vườn cây phát triển tốt. Mỗi năm, vườn cà phê mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ổn định, nhờ đó gia đình đã thoát được nghèo. Dự kiến sắp tới, gia đình sẽ đầu tư mở rộng thêm 1 hécta cà phê nữa với quyết tâm vươn lên làm giàu.

Ông Trương Ngọc Tuyền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kon Plông cho biết, Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh được triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2014 không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn thay đổi được tư duy, phương thức sản xuất truyền thống của bà con. Ban đầu, cả huyện chỉ có 103 hộ nghèo đăng ký tham gia Đề án với diện tích hơn 30ha, nhưng đến nay đã có gần 1.700 lượt hộ đăng ký với diện tích hơn 433ha, vượt 10 - 12% so với kế hoạch Đề án đề ra. Qua triển khai thực hiện Đề án đã giúp nhiều hộ dân thoát được nghèo nên bà con rất tin tưởng, phấn khởi.

Từ nay đến năm 2020, theo kế hoạch của Đề án, bên cạnh phủ kín diện tích trồng mới hàng năm khoảng 100ha cà phê xứ lạnh, huyện Kon Plông cũng đã có kế hoạch vận động bà con nhân dân tập trung vào khâu chăm sóc, phối hợp với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn trong việc tập huấn, chăm sóc cây cà phê sau thu hoạch để đảm bảo năng suất cho những năm kinh doanh tiếp theo, hỗ trợ tối đa cho bà con thoát nghèo bền vững và làm giàu từ cây công nghiệp.

Ông Trương Ngọc Tuyền cho biết thêm, để giúp bà con thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, hiện nay, huyện Kon Plông cũng đã tiếp tục xúc tiến hợp tác cùng với các công ty, doanh nghiệp, HTX thu mua, bao tiêu sản phẩm của bà con nhân dân trên địa bàn, tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê xứ lạnh để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo cho bà con sản xuất cà phê xứ lạnh mang tính bền vững.

Đáng mừng là hiện nay có một doanh nghiệp (Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Cao Nguyên) cũng đã cam kết với huyện thực hiện hỗ trợ 100% cây giống, phân bón, vật tư cho hộ nghèo và hỗ trợ 40% cây giống cho hộ không nghèo để mở rộng diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn. Toàn bộ nguồn vốn đầu tư sẽ được bà con hoàn trả lại cho Công ty sau khi diện tích cà phê đã thu hái xong. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chịu trách nhiệm thu mua, bao tiêu sản phẩm cà phê của bà con nông dân làm ra theo giá thị trường.

                                                        Bài, ảnh: Tú Quyên 

Chuyên mục khác