Kon Plông: Đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa - Kì 2: Xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch

17/04/2025 06:07

Không chỉ hình thành được các vùng sản xuất tập trung, huyện Kon Plông còn thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất, xây dựng được sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường và xu hướng ưa chuộng sản phẩm sạch của người tiêu dùng.

Với lợi thế riêng có và những chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nên những năm qua huyện Kon Plông trở thành điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm đều đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn, thân thiện môi trường. Đến nay, huyện có 21 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 3 trang trại, 25 hộ cá thể đầu tư sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện có 266ha và diện tích nhà màng, nhà kính 33,4ha; diện tích áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương 205ha. Bên cạnh đó, có 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 1 tổ hợp tác (10 hộ) và 1 vùng sản xuất lúa gạo đỏ với diện tích 20ha được cấp chứng nhận VietGAP.

Sản phẩm rau hoa sạch được trồng tại Măng Đen. Ảnh: VP

 

Đặc biệt, Kon Plông đã hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 170ha và hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thị trấn Măng Đen. Tại Khu nông nghiệp công nghệ cao này hiện đang có rất nhiều vườn rau, củ, trái cây được trồng với kỹ thuật tiên tiến, hoàn toàn sử dụng phân phón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, tạo ra giá trị từ chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng được khách hàng ưa chuộng và tin tưởng. Như ở vườn rau hữu cơ với thương hiệu Happy Vegi do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Sản xuất Hương Đất làm chủ đầu tư. Khởi nghiệp từ năm 2012 với vườn rau nhỏ 5.000m2, sau nhiều năm nghiên cứu, đầu tư công sức thử nghiệm và chuẩn hoá quy trình trồng rau theo phương pháp canh tác hữu cơ, hệ thống vườn rau Happy Vegi đã nâng tổng diện tích lên 3ha. Riêng tại thị trấn Măng Đen, vườn rau rộng trên diện tích 1,8ha với gần 20 loại rau, củ các loại. Ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn rất khắt khe của chứng nhận hữu cơ, Happy Vegi không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đảm bảo sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.

Theo anh Trần Kim Điền- quản lý vườn rau Happy Vegi, để xây dựng vườn rau đạt chuẩn hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng, trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn nói không với các loại hóa chất độc hại. Để ngăn chặn các loại sâu, côn trùng, bệnh đốm lá tấn công, chúng tôi tự chế biến các chế phẩm sinh học từ thảo mộc kết hợp với tỏi, sữa chua, men rượu, bên cạnh đó sử dụng chế phẩm được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. “Chính sự uy tín đó mà sản phẩm vườn rau Happy Vegi đã được các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đặt vấn đề hợp tác. Hiện tại, thương hiệu rau Happy Vegi đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh như I-Mart, Big C, Aeon Mall, Vinmart. Mỗi tháng, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau củ các loại với giá dao động khoảng 80 ngàn đồng/kg” – anh Trần Kim Điền tâm sự.

Sản phẩm vườn cam hữu cơ ở Kon Plông thu hút khách du lịch. Ảnh: VP

 

Ngoài trồng rau sạch, nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện đã đầu tư phát triển cây ăn quả sạch. Như gia đình anh Đỗ Minh Sơn ở thôn Tu Rằng, xã Măng Cành có vườn cam sành rộng 4 ha trở thành điểm tham quan, trải nghiệm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Để thu hút du khách, bán sản phẩm cam,  gia đình anh không chỉ đầu tư mở rộng diện tích cây trồng, xây dựng các tiểu cảnh để du khách check-in mà còn xây dựng vườn cam hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, sản phẩm cam sau khi thu hoạch của gia đình không chỉ có giá bán cao hơn mà còn thu hút đông đảo du khách đến thăm vườn cam vì sự  an toàn, thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe con người.

Trong quá trình định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Kon Plông luôn nhấn mạnh đến yếu tố sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, với sức khỏe con người. Vì vậy nên thời gian gần đây huyện đã chỉ đạo  xã Măng Bút tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang gieo trồng lúa gạo đỏ - giống lúa nguyên gốc, lâu đời của bà con DTTS nơi đây. Đến nay, bà con Măng Bút đã phát triển khoảng 60ha lúa gạo đỏ (sản xuất hoàn toàn hữu cơ, an toàn), chiếm hơn 10% tổng diện tích đồng ruộng của xã.

Không chỉ phát triển về diện tích, huyện đã chọn lúa gạo đỏ là một trong số sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhằm nâng cao giá trị và giúp tăng thu nhập cho bà con Xơ Đăng, huyện Kon Plông đã thành lập tổ hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm từ gạo đỏ Măng Bút. Đến nay, sản phẩm bún gạo đỏ do tổ hợp tác sản xuất được làm 100% từ gạo đỏ do bà con trồng, hoàn toàn không có chất bảo quản hoặc pha trộn, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ vậy người dân ở Măng Bút yên tâm phát triển lúa gạo đỏ không chỉ để sử dụng mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa. “Bún gạo đỏ được đóng gói bao bì, nhãn mác và bán với giá 60.000 đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm bún gạo đỏ thường xuyên có mặt tại các khu du lịch ở Măng Đen, trong các hội chợ, tại các triển lãm hàng nông sản. Sạch, an toàn ngay từ khâu trồng cho đến chế biến nên sản phẩm đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, lựa chọn” - chị Y Siêu, thành viên tổ hợp tác phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Đặng Quang Hà- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, mục tiêu của huyện trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rau, hoa, quả xứ lạnh theo quy hoạch. Từ đó, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, nâng cao chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Măng Đen. Đặc biệt, khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ được tối ưu hóa nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng sản phẩm sạch, trồng theo hướng hữu cơ. Để đạt được điều này, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, đồng thời kêu gọi đầu tư và liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.                       

Văn Phương

Chuyên mục khác