Kon Plông: Đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa - Kì 1: Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh

16/04/2025 13:10

Tận dụng tiềm năng và lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Kon Plông tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng các vùng cây trồng chuyên canh và xây dựng các sản phẩm đặc trưng, đưa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện không chỉ vươn tầm trong vùng, trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Từ những lợi thế từng vùng, Kon Plông đã quy hoạch và  xây dựng thành từng vùng chuyên canh. Những quyết sách đúng đắn đó không chỉ tạo thuận lợi trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng Đông Trường Sơn.  

Phát huy lợi thế được thiên nhiên ưu đãi khí hậu phù hợp phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Kon Plông đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với sản phẩm mang đặc trưng riêng. Huyện đã ban hành nghị quyết riêng về phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Kon Plông đến năm 2030 và kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện.

Song song với đó, huyện Kon Plông chỉ đạo các xã, thị trấn khoanh vùng sản xuất các loại cây trồng trồng tập trung phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương để vừa thuận lợi trong chăm sóc, phát triển, vừa thuận lợi trong việc thu mua. Qua đó, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp mang đặc trưng riêng của vùng Đông Trường Sơn.

Để chủ trương đi vào thực tiễn và phát huy được hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các ban ngành, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với việc liên kết phát triển hình thành các vùng trồng tập trung quy mô, chất lượng theo từng nhóm cây trồng chủ lực như cây cà phê xứ lạnh, dược liệu, cây ăn quả, cây chè, lúa gạo đỏ, rau hoa, củ quả, đồng thời, xây dựng các đề án, dự án liên kết chuỗi giá trị một cách bền vững.

Vùng trồng chè của xã Hiếu, huyện Kon Plông. Ảnh: VP

 

Đến nay, Kon Plông đã hoàn thành bản đồ xây dựng cơ sở dữ liệu nông hóa, thổ nhưỡng, phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Huyện quy hoạch và đang tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong đó, với cây cà phê, tập trung phát triển tại các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút, xã Hiếu, Pờ Ê; với cây chè tập trung vùng trồng tại các xã Hiếu, Pờ Ê; cây ăn quả, phát triển vùng trồng tại các xã Măng Cành, Hiếu, Pờ Ê, thị trấn Măng Đen và với rau hoa, củ quả tập trung vùng trồng tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo và định hướng trong các xã, cũng phát triển các loại cây trồng theo vùng trồng của từng thôn, làng nhằm từng bước hình thành vùng chuyên canh.

Sau nhiều nỗ lực, Kon Plông đã hình thành được các vùng chuyên canh từng loại cây trồng như: Vùng sản xuất lúa gạo đỏ ở xã Măng Bút với khoảng 60 ha; vùng sản xuất chè ở xã Hiếu, Pờ Ê với gần 170ha; vùng sản xuất rau hoa xứ lạnh ở thị trấn Măng Đen, xã Măng Cành với diện tích hơn 450ha.

Đối với cây cà phê, huyện xây dựng Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời, từ đó, hình thành vùng cà phê trọng điểm, gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm và tiến tới phát triển thương hiệu cà phê xứ lạnh Măng Đen.

Với những định hướng hết sức cụ thể, đến nay, huyện đã phát triển gần 900ha cà phê. Trong đó, hình thành được một số vùng có điều kiện về đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển cây cà phê với quy mô cánh đồng lớn, liền vùng liền thửa.

Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung này đã giúp cho chính người nông dân được hưởng lợi, không chỉ thuận lợi trong chăm sóc, gieo trồng mà còn mang lại thu nhập cao hơn. Ông A Thành (ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành) tâm sự: Trước đây, 2ha đất của gia đình chủ yếu trồng mì và trồng cà phê theo phương thức truyền thống nên hiệu quả không cao, thu nhập thấp. Được tuyên truyền, vận động, gia đình ông đã chuyển diện tích trồng mì sang trồng cà phê xứ lạnh, đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế đã tăng lên rõ rệt. Nhờ cây cà phê, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng và thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ngoài cây cà phê, huyện Kon Plông tập trung vào thế mạnh cây dược liệu. Đến nay, huyện phát triển hơn 1.300ha, chủ yếu là các loại như sa nhân, nghệ đỏ, sả Java, sâm dây (560 ha), sâm Ngọc Linh (6,5ha) và các loại dược liệu tự nhiên như cây cốt toái bổ, ngũ vị tử, lan kim tuyến, chè dây, tiêu rừng… “Các loại cây này được huyện định hướng phát triển tại những vùng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của từng loại cây. Tại tiểu vùng khí hậu nóng như ở các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọc Tem và Pờ Ê tập trung phát triển cây sa nhân, nghệ đỏ, sả Java…Còn ở vùng  tiểu vùng khí hậu lạnh như xã Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, thị trấn Măng Đen, xã Hiếu tập trung phát triển sâm dây, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến”– ông Phạm Thanh Bình,Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết.

Với thế mạnh về rau hoa xứ lạnh, huyện tập trung sản xuất tại một số thôn làng ở thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được hơn 450ha rau, củ, quả; trong đó, diện tích doanh nghiệp trồng 416ha, các hộ sản xuất 34,1ha. Các mô hình sản xuất rau, củ quả xứ lạnh ở Kon Plông đều rất hiệu quả. Không chỉ ở các khu nhà màng nông nghiệp công nghệ cao của các hợp tác xã, của các công ty mà các hộ dân đầu tư sản xuất cũng mang lại nguồn thu cao hơn hẳn so với các loại cây trồng trước đây.

Khu vực sản xuất rau, hoa tại làng Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen. Ảnh: VP

 

Như thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, bà con người DTTS đã thành lập 4 nhóm tổ hợp tác với 35 hộ tham gia trồng các loại rau, củ, quả với tổng diện tích canh tác tập trung 6,23ha. Anh A Hùng (Tổ trưởng tổ 1- Tổ hợp tác trồng rau, củ xứ lạnh thôn Kon Vơng Kia) phấn khởi cho hay: Tổ gồm 10 hộ gia đình đang canh tác 0,79ha rau, củ xứ lạnh. Trong vụ đầu tiên, chúng tôi trồng khoai lang Úc và bí Nhật. Sau thời gian canh tác, đã thu hoạch được 3,4 tấn khoai lang Úc và 0,45 tấn bí Nhật, thu về 80 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Hiện nay, chúng tôi đã xuống giống vụ sản xuất thứ 2 gồm các loại cà rốt, hành lá, su hào, bắp cải, khoai lang Úc. Các loại rau, củ đều phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các gia đình.

Với những kết quả đạt được, việc huyện hình thành các vùng sản xuất tập trung không chỉ tạo thuận lợi trong sản xuất mà còn góp phần từng bước thực hiện chủ trương xây dựng thành những cánh đồng lớn, thuận lợi cho thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Văn Phương

Chuyên mục khác