29/05/2023 13:16
Trước đây, gia đình anh A Druông và chị Y Duân ở thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) thuộc diện hộ nghèo, nguyên nhân chính là do thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. Được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, cùng với quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, năm 2019, gia đình mạnh dạn vay vốn Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kon Plông 30 triệu đồng để mua 2 con trâu sinh sản. Sau 4 năm chăm sóc, đàn trâu sinh sản thêm nhiều nghé con; nguồn thu từ việc bán trâu giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà ở khang trang và đầy đủ các vật dụng cần thiết.
|
Anh A Druông chia sẻ: Tôi thấy vay vốn để nuôi trâu rất hiệu quả, bởi tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên công sức bỏ ra để chăn nuôi trâu lại ít, mà hiệu quả kinh tế khá cao. Việc nuôi trâu trong thôn Kon Vơng Kia được thực hiện theo nhóm hộ, các gia đình phụ trách chăn thả trâu luân phiên mỗi ngày. Hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn nhờ vay vốn phát triển chăn nuôi.
Hiện nay, thôn Kon Vơng Kia có đàn gia súc trên 300 con, trong đó có trên 230 con trâu và 70 con bò. Hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc đều đang vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kon Plông theo hình thức tín chấp thông qua các đoàn thể chính trị- xã hội. Nhờ mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, hộ nghèo trong thôn giảm dần qua từng năm, hiện chỉ còn 9 hộ nghèo.
Chị Y Hiền, ở thôn Kon Vơng Kia tâm sự: Trong 10 năm qua, gia đình tôi vay vốn NHCSXH 3 lần, số tiền vay dùng để mua gia súc, chăm sóc cà phê. Đến nay, kinh tế của gia đình tôi đã phát triển tốt với 1ha cà phê, 1ha mì, 5 con trâu và 500m2 ao cá.
Ông A Blép- Trưởng thôn Kon Vơng Kia cho biết: Thông qua các cuộc họp thôn, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con vay vốn để phát triển kinh tế, một số hộ đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn sâu sát với các hộ vay, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Tại thôn Vi Glơng, xã Hiếu, nhiều hộ đồng bào DTTS đã từng thay đổi nhận thức, mạnh vay vốn để phát triển kinh tế. Tiêu biểu như gia đình chị Y Ớc, qua 2 lần vay vốn NHCSXH với số tiền 30 triệu đồng và 50 triệu đồng, gia đình chị đã có nguồn thu nhập cao mỗi năm từ việc chăn nuôi 15 con heo, 8 con trâu và trên 100 con gia cầm.
“Trước đây, tôi và bà con trong thôn rất ngại vay vốn, sợ không làm ăn được, không có tiền trả cho ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi tôi được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi thì đã có hướng làm ăn, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Gia đình tôi mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay nhiều hơn để mở rộng quy mô phát triển kinh tế trong thời gian đến”- chị Y Ớc bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi trong căn nhà khang trang vừa được xây dựng với kinh phí 1,6 tỷ đồng, chị Y Hạnh (dân tộc Xơ Đăng, thôn Vi Glơng, xã Hiếu) không giấu được niềm phấn khởi: Trước đây gia đình tôi rất nghèo khó, khởi nghiệp bằng việc mở cửa hàng buôn bán nhỏ phục vụ cho người dân trong thôn Vi Glơng. Sau đó, gia đình vay vốn NHCSXH để mở rộng quy mô cửa hàng và làm thêm nghề buôn bán gia súc. Sau hơn 10 năm vay vốn và lập nghiệp, gia đình tôi đã vươn lên trở thành hộ giàu, có cơ ngơi khang trang và thu nhập rất ổn định. Hiện nay cửa hàng của gia đình tôi bán đa dạng mặt hàng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, như các loại đồ ăn, nước uống, công cụ lao động, sản xuất, vật dụng trong gia đình.
Có thể nói, những gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông phát triển kinh tế ổn định nhờ mạnh dạn vay vốn NHCSXH đã tạo sức lan tỏa lớn, là tấm gương sáng để các hộ đồng bào DTTS khác trên địa bàn học tập và làm theo trong thời gian đến.
Tấn Lộc