13/03/2018 07:01
Mục tiêu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Kon Plông là đưa các loại cây trồng có giá trị vào canh tác, phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Từ đó, tạo bước đột phá trong nông nghiệp, đưa kinh tế của huyện từng bước phát triển.
Năm 2017 là năm đầu tiên huyện Kon Plông thực hiện Đề án này nên huyện chỉ đạo các xã phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, sản xuất theo hướng bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện.
|
Đặc biệt, các xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá.
Các phòng chuyên môn phối hợp với các xã khoanh vùng sản xuất từng loại cây trồng. Trong đó, vùng trồng cây cà phê tập trung ở các xã có khí hậu lạnh như Măng Bút, Măng Cành, Đăk Long, Hiếu, Đăk Tăng; vùng trồng cây lâm nghiệp tập trung ở các xã có khí hậu ấm áp hơn như Pờ Ê, Đăk Nên, Đăk Ring; rau hoa xứ lạnh tại Đăk Long, Măng Cành...
Đồng thời, huyện đã khoanh vùng trồng một số loại cây mới như cây bắp lấy thân tại xã Măng Bút, cà gai leo tại xã Măng Cành và Đăk Long, cây nghệ tại xã Ngọc Tem. Đến nay, các vùng được khoanh đã và đang triển khai sản xuất, một số vùng đã cho sản phẩm thu hoạch như cây bắp lấy thân ở Măng Bút với hiệu quả kinh tế mang lại ấn tượng.
Để người dân tiếp cận với những loại cây trồng mới, kỹ thuật mới, trong năm qua, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê xứ lạnh, cây dược liệu, rau hoa xứ lạnh...
Sau hơn 1 năm triển khai Đề án, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng của Kon Plông đã gặt hái được những kết quả ấn tượng. Bước đầu, huyện đã xây dựng được những vùng sản xuất tập trung, tạo ra những sản phẩm chủ lực có giá trị để từng bước đưa nông nghiệp trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện.
Theo đó, đối với nhóm cây hằng năm, Kon Plông đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gạo đỏ với diện tích trên 200ha tại xã Măng Bút. Để nâng tầm cho hạt gạo đỏ địa phương, huyện cũng đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo đỏ, hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực chế biến nhiều loại sản phẩm từ gạo đỏ.
Cùng với cây lúa gạo đỏ, năm 2017, Kon Plông đã thực sự thành công khi chuyển đổi được 30,2ha diện tích đất trồng mì kém hiệu quả, đất bỏ hoang, đất sản xuất một vụ sang trồng bắp lấy thân tại xã Măng Bút, Hiếu, Ngọc Tem. Mô hình này bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, từ những diện tích người dân bỏ hoang hoá, bạc màu khi chuyển sang trồng cây bắp lấy thân đã cho thu nhập trên 15 triệu đồng/ha mỗi lứa.
Đặc biệt, Kon Plông đã xây dựng được hơn 90ha rau hoa xứ lạnh gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào trong sản xuất. Rau hoa xứ lạnh là mục tiêu và đang dần trở thành lĩnh sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp của Kon Plông.
Đối với nhóm cây lâu năm, cũng như các năm qua, năm 2017 UBND huyện Kon Plông đã tăng cường chỉ đạo các xã Hiếu, Măng Cành, Đăk Long, Măng Bút, Đăk Tăng chuyển đổi những diện tích đất trồng mì cho năng suất thấp sang trồng cây cà phê xứ lạnh. Các phòng chuyên môn hướng dẫn người dân về kỹ thuật, giống, vật tư để người dân mạnh dạn trồng cà phê. Đến nay, toàn huyện đã có gần 700ha cà phê, khoảng 470ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, ở các xã có khí hậu ấm, người dân tập trung phát triển cây keo lai và bời lời. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 1.830ha keo lai và 1.730ha bời lời.
Dược liệu là nhóm cây trồng mới nhưng đang mở ra triển vọng lớn cho ngành nông nghiệp của Kon Plông. Tận dụng khí hậu, thổ nhưỡng ưu đãi, trong thời gian qua, huyện đã đưa vào trồng được một số loại cây dược diệu như: chùm ngây, xạ đen, sâm dây, sa nhân, sâm đương quy, cà gai leo, nghệ...với diện tích khoảng 65ha.
Cùng với việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Kon Plông còn tăng cường công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chỉ trong năm 2017, đã có 9 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được chấp thuận đầu tư tại huyện. Các doanh nghiệp vừa là những đơn vị sản xuất đầu tàu, vừa hỗ trợ nông dân về bao tiêu sản phẩm, đưa khoa học kỹ thuật mới vào địa bàn...
Với những bước đi vững chắc ngay từ ban đầu là tiền đề, động lực để Kon Plông tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trong những năm tiếp theo. Rồi đây, những cánh đồng mẫu lớn, những vùng chuyên canh cà phê, cây dược liệu, rau hoa quy mô được mở rộng sẽ giúp mang lại thu nhập cao cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Thiên Hương