Kon Plông chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc

27/12/2017 07:02

​Để chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông năm nay, huyện Kon Plông đã chỉ đạo các ban ngành, các xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn, tu sửa, che chắn chuồng trại cho đàn gia súc. Mục tiêu của huyện là bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do giá rét gây ra.

Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc là một trong những lĩnh vực chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của huyện Kon Plông. Tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có gần 40.000 con; trong đó đàn trâu gần 8.600 con, đàn bò gần 5.700; đàn dê  10.380 con; đàn heo hơn 15.300 con. Riêng đàn dê chủ yếu do các doanh nghiệp chăn nuôi.

Với đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, con trâu, con bò chính là đầu cơ nghiệp. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà họ nuôi nhiều hay ít, những hộ nghèo khó lắm cũng nuôi được một hai con, còn những gia đình khá giả nuôi tới vài ba chục con. Trong thời gian qua, nghề chăn nuôi trâu, bò đã mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Chính vì vậy, việc phòng chống dịch bệnh, đói rét cho trâu, bò là nhiệm vụ được các ngành chức năng và các địa phương trong huyện rất quan tâm nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.

Những năm gần đây, chăn nuôi trâu bò mang lại thu nhập cao cho người dân nên họ ngày càng có ý thức bảo vệ đàn gia súc. Ảnh: H.N

 

Theo đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi khi thời tiết lạnh. Ngành Nông nghiệp của huyện hướng dẫn về mặt kỹ thuật để người chăn nuôi áp dụng có hiệu quả vào việc phòng chống rét cho trâu, bò.

Ông Võ Đình Viết – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước đây, người dân thường chăn nuôi trâu, bò theo kiểu thả rông trên rừng, sống dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên nên vào mùa mưa rét trâu bò thường bị chết đói, rét. Những năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn tích cực của ngành Nông nghiệp, các địa phương, người dân đã biết và chủ động hơn trong việc phòng chống rét cho trâu, bò. Mặc dù ở một số nơi, số ít bà con vẫn còn chủ quan, lơ là trong việc phòng chống rét cho đàn gia súc nên các năm trước vẫn xảy ra hiện tượng trâu, bò chết rét; song số lượng này đã giảm rõ rệt qua từng năm; riêng năm nay chưa có con trâu, bò nào bị chết do rét.

Mùa đông ở Kon Plông rất dài, thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Để phòng chống rét cho đàn vật nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y huyện phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, che chắn chuồng đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt, làm ấm chuồng khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Đội ngũ thú y viên ở cơ sở tích cực hướng dẫn người dân tăng cường chế độ chăm sóc, bổ sung khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc; theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và dịch bệnh của trâu, bò để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt, những xã nằm ở khu vực thời tiết thường lạnh sâu như Măng Cành, Đăk Long, Đăk Tăng, Măng Bút, Hiếu, ngành Nông nghiệp và các đoàn thể ưu tiên, chú trọng hơn đến việc phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho gia súc.

Đến nay, phần lớn các gia đình chăn nuôi trâu, bò đều đã biết làm cây rơm khô; nhiều hộ đã trồng cỏ, bắp để  dự trữ thức ăn cho đàn gia súc khi thời tiết lạnh giá không thể chăn thả. Bà con cũng đã biết chăn thả gia súc muộn hơn và đưa gia súc về chuồng sớm hơn trong những ngày thời tiết lạnh; che chắn chuồng trại cẩn thận để tránh gió lùa; biết theo dõi và báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương và ngành chức năng về các bệnh thường xảy ra trong mùa lạnh  để có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.

A Đúp (làng Kon Leng II, xã Đăk Long) cho biết:  Hàng ngày mặc dù đàn trâu, bò được chăn thả trong rừng, nhưng chúng tôi vẫn trồng cỏ ở nhà để đảm bảo đủ lượng thức ăn cho trâu, bò. Khi trời lạnh tôi phủ thêm bạt ngoài chuồng để tránh gió lùa và cho ăn bột bắp pha bằng nước ấm bỏ chút muối để con trâu, bò được đảm bảo sức khoẻ.

A Hùng (làng Vi Xây, xã Đăk Tăng) thì kể: Đợt này rét sâu nên khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, nhà mình thường để đàn trâu ở nhà rồi cắt cỏ, lấy rơm cho ăn, đun nước ấm cho uống; lúc nào trời ấm mới thả ra để trâu đi lại cho thoải mái. Chuồng  nuôi nhốt, mình mua thêm bạt về quây, lạnh quá thì đốt thêm lửa ở cạnh để sưởi ấm nên đàn trâu nhà mình rất khoẻ.

Một điểm đáng chú ý là ở Kon Plông, người dân đã biết hình thành nhóm hộ chăn nuôi trâu bò, mỗi nhóm hộ từ 3 – 5 nhà.  Các nhóm hộ bảo nhau làm chuồng trại, cử người chăn thả, đưa trâu bò về chuồng cẩn thận; thay phiên nhau cho ăn uống, chăm sóc. Nhờ vậy mà đàn trâu, bò được chăm sóc kỹ lưỡng, đảm bảo sức khoẻ để đối phó với mùa đông giá rét ở Kon Plông.

Ngoài ra, trong những năm qua, huyện Kon Plông còn dành nhiều nguồn vốn hỗ trợ người dân làm chuồng trại nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rét cho đàn trâu bò. Chỉ tính riêng trong năm 2016, huyện đã hỗ trợ làm 6 mô hình chuồng trâu, mỗi chuồng nhốt từ 17 – 20 con. Từ hiệu quả của mô hình, nhiều hộ dân trong vùng ngày càng tích cực học tập và làm theo để bảo vệ cho đàn gia súc.

Với sự chủ động phòng chống rét, tin rằng Kon Plông sẽ hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra cho đàn gia súc. Từ đó, tổng đàn gia súc trên địa bàn sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế người dân ngày càng phát triển, đưa kinh tế địa phương đi lên.

Hương Nga 

Chuyên mục khác