21/01/2023 06:37
Năm mới đến, không có lý do gì để không hy vọng vào sự chuyển mình của ngành dược liệu từ “trồng cây thuốc” sang “kinh tế dược liệu”.
Suy nghĩ ấy xuất hiện trong tôi ngay khi nghiên cứu Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030 mới được UBND tỉnh ban hành (kèm theo Quyết định 817/QĐ-UBND ngày 30/12/2022),
Bởi từ Đề án nói trên, tôi nhận thấy rất rõ quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng ngành kinh tế dược liệu.
Quyết tâm ấy thể hiện ở quan điểm ưu tiên phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm các vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến. Lấy người dân và các thành phần kinh tế là chủ thể nòng cốt tham gia mối liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra cơ cấu sản phẩm đa dạng, khả năng cạnh tranh cao.
Mục tiêu đến năm 2025, sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.
|
Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 1ha, công suất 1-2 triệu cây/năm đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn. Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu.
Phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Thu hút được ít nhất 1 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Định hướng đến năm 2030, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Hình thành mới 5 cơ sở sản xuất nguồn giống dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại vùng trồng dược liệu và thúc đẩy dịch vụ logistics; gắn kết vùng nguyên liệu quy mô, tập trung với nhà máy chế biến; giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm dược liệu. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó nhấn mạnh đến khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.
Cùng với đó là các nhóm giải pháp về đầu tư phát triển dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; về khoa học và công nghệ; về tiêu thụ sản phẩm; về huy động nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu.
Tuy nhiên, chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu” không phải là một bài toán dễ giải. Bởi hiện nay chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, đáng kể nhất là kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dược liệu, nhất là hạ tầng giao thông, khu sản xuất, kho bãi còn chưa đáp ứng yêu cầu, nên chưa tạo sức hút đối với các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu.
Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín thực hiện liên doanh, liên kết với người dân và các mô hình kinh tế tập thể để trồng và tiêu thụ dược liệu vẫn còn rất hạn chế.
Trong khi người dân vùng trồng dược liệu, chủ yếu là đồng bào DTTS, chưa có kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản dược liệu. Việc trồng dược liệu chủ yếu theo kinh nghiệm ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó đáp ứng yêu cầu liên kết với các dự án dược liệu quy mô lớn.
Nguồn giống khan hiếm, trong khi giống giả, giống kém chất lượng vẫn “hoành hành”, ảnh hưởng đến việc bảo tồn nguồn gen dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh, cũng là yếu tố có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế dược liệu.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để chuyển đổi sang “kinh tế dược liệu” thành công, trước hết phải nhìn nhận đúng vai trò của dược liệu đối với nền kinh tế địa phương để chú trọng phát triển.
|
Phát triển dược liệu, từ quy hoạch vùng trồng đến sản xuất, tiêu thụ, phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Chính quyền quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành dược liệu không đồng nghĩa với bao cấp đối với việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu.
Đầu tư nghiên cứu, tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý quản lý nguồn giống gốc, sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng.
Tổ chức thực hiện tốt các chính sách riêng, đặc thù về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu của tỉnh được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tại các vùng dược liệu quy mô lớn. Nghiên cứu hình thành các trung tâm kinh doanh và thu mua dược liệu; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối dược liệu.
Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược liệu trong các chương trình khoa học công nghệ hàng năm, trong đó chú trọng việc bảo tồn nguồn gen và phát triển dược liệu quý, hiếm, đặc hữu; có chính sách hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền.
Lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu đưa vào danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP hoặc được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm chủ lực để đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Có chính sách tăng cường liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và ngân hàng); liên kết giữa các địa phương, các vùng trong quy hoạch phát triển dược liệu.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước mắt là về thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các dự án phát triển trồng dược liệu trên địa bàn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến sâu.
Hồng Lam