Kinh tế ban đêm - Cơ hội và thách thức - Bài 3: Để tiềm năng không chỉ là… tiềm năng

19/09/2022 13:04

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, bề dày bản sắc văn hóa các dân tộc và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên là tiềm năng, thế mạnh để tỉnh ta phát triển nền kinh tế ban đêm có đặc trưng riêng. Tuy nhiên, để tiềm năng không chỉ là… tiềm năng, có rất nhiều việc phải làm.

Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” xác định, giai đoạn 2021-2025 hoàn thiện công tác lập quy hoạch, mở rộng chuỗi tiêu dùng về mặt thời gian và cách thức, cung cấp các dịch vụ phù hợp với nhu cầu và thực tiễn từng địa phương.

Làm tốt công tác thí điểm tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông các mô hình kinh tế ban đêm như tuyến phố đi bộ, chợ đêm; thành lập các đơn vị quản lý, vận hành và xây dựng kế hoạch, quy chế quản lý hoàn thiện, hiệu quả. 

Trong giai đoạn 2026-2030, cụ thể hóa các quy hoạch đã được lập; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tại các khu vực phát triển kinh tế ban đêm; triển khai chính thức các mô hình kinh tế ban đêm. Giai đoạn 2031-2050 sẽ phát triển kinh tế ban đêm thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đan xen mô hình kinh tế ban đêm truyền thống và mô hình hiện đại.

Cần sớm có quy hoạch về không gian phát triển kinh tế đêm. Ảnh: HL

 

Được biết, hiện nay, UBND thành phố đang nghiên cứu xây dựng phương án phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó, không chỉ thấy lợi thế, mà phải đánh giá cụ thể khó khăn, thách thức, nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi, lấy ý kiến các ngành, sau đó trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Trong khi chính quyền thành phố đang tìm cách khai thác tiềm năng kinh tế ban đêm, thì nhiều du khách phàn nàn rằng, đêm về, ở Kon Tum không có nơi nào để trải nghiệm, vì sau 22 giờ hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa. Dù rất muốn trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân nhưng đành chịu, vì họ đã… đi ngủ.

Không biết việc chính quyền đang tính toán khai thác tiềm năng kinh tế ban đêm, quán phở của bà Năm ở đường Trần Hưng Đạo vẫn sáng đèn mỗi đêm. Bà bán từ 6 giờ tối đến khi nào hết khách, có thể là rất khuya.

Gọi là quán cho oai, chứ thật ra chỉ là những bộ bàn ghế nhựa bày bên đường, cạnh trung tâm thương mại.

Từ năm 1999, khi tôi bước chân vào Kon Tum lập nghiệp, đã ăn phở đêm ở đây. Và đến nay vẫn thỉnh thoảng tới đây ăn, sau giờ làm đêm.

Kể chuyện này là để thấy rằng, kinh tế ban đêm là nhu cầu có thật, và rất có tiềm năng. Cùng với sự tăng trưởng của du lịch, dân số trẻ, đời sống được cải thiện đang dần làm thay đổi nếp sống ở các đô thị Kon Tum. Người ta ra đường nhiều hơn về đêm, tiêu tiền nhiều hơn và yêu cầu giải trí khi đêm về cũng tăng. 

Ai cũng biết, hình thành một nền kinh tế ban đêm không chỉ đáp ứng thực tiễn phát triển, mà còn là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn chỉ là… tiềm năng, nếu không giải quyết được hàng loạt khó khăn, cả trước mắt lẫn lâu dài.

Trong đó, có thể thấy rất rõ rằng, tư duy phát triển kinh tế ban đêm còn hết sức mới mẻ, nhất là việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, hay quy hoạch khu vực phát triển kinh tế ban đêm.

Ngay cả Đề án phát triển kinh tế ban đêm của UBND tỉnh cũng chỉ đưa ra định hướng phát triển một số sản phẩm đêm, quy hoạch không gian phát triển các sản phẩm đêm và giải pháp liên quan ở những khu vực phát triển kinh tế ban đêm.

Điều này làm các địa phương lúng túng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách tài chính hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia cung cấp các dịch vụ ban đêm.

Bản sắc văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong phát triển kinh tế đêm. Ảnh: H.L

 

Một vấn đề cần tính đến là xung đột giữa các quy định hành chính hiện tại, nếp sống của người dân với sự phát triển kinh tế ban đêm.

Bởi kinh tế ban đêm có thể vô tình trở thành môi trường thuận lợi cho các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến như mại dâm, buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp bóc, cờ bạc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Chưa kể đến những bất cập khác như rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, phần lớn người dân Kon Tum, ngay cả ở các địa bàn phát triển du lịch, như thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông, còn ít sinh hoạt về đêm. Phát triển kinh tế ban đêm sẽ khiến cho một bộ phận cư dân khó chịu, thậm chí bất bình.

Tuy nhiên, thay vì chỉ quan ngại, chúng ta cần chủ động phát triển kinh tế ban đêm thông qua các kế hoạch, chính sách và đặc biệt sử dụng tốt công cụ quy hoạch phù hợp, gắn kết được sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và cộng đồng.

Căn cứ đề án của tỉnh, các địa phương cần nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của mình, nhất là cơ sở hạ tầng, môi trường, bản sắc văn hóa.

Tiếp đến là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Phan Ngọc Định- Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho rằng, vấn đề cốt lõi là phải thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm theo hướng liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ cơ chế, chính sách đến quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, xây dựng, môi trường, du lịch, an ninh trật tự.

22 giờ đêm qua, tôi dẫn bạn đi ăn đêm. Tất nhiên là xuống quán phở bà Năm. Bạn nói thật rằng, rất nể tôi nên ở lại. Nhiều lần làm việc ở Kon Tum xong lại về Pleiku (tỉnh Gia Lai) nghỉ ngơi, nơi có các hoạt động ban đêm sôi động hơn.

Dù dễ mất lòng khi nói ra, nhưng đó là một thực tế. Nếu ở lại Kon Tum, sau 9 giờ, chỉ có thể ăn phở, hoặc xôi đêm, chứ không có lựa chọn nào khác.

Vậy cho nên, tôi rất mong đến ngày được tự hào giới thiệu với bạn bè một Kon Tum sôi động và đặc sắc về đêm.

Đủ để du khách phải vui vẻ chi tiêu!

Hồng Lam

Chuyên mục khác