Kiến tạo hạ tầng nông thôn

15/11/2016 09:11

Việc tập trung nguồn lực đầu tư và phát huy sức mạnh đoàn kết của người dân kiến tạo hạ tầng nông thôn đang góp phần xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nhận thức được tầm quan trọng này, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum phát huy nhiều nguồn lực và vận động nhân dân đột phá vào lĩnh vực hạ tầng nông thôn.

Đặc biệt, để cụ thể hóa và làm căn cứ cho việc thực hiện, tỉnh đã ban hành Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020, tập trung vào việc bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn và lớp học mầm non.

Đến bất kỳ nơi đâu ở nông thôn, chúng ta cũng thấy dấu ấn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và người dân cũng hiểu rõ được ý nghĩa của chương trình này.

Trong một lần về thôn Đăk Giao, xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi), thấy tôi ngắm nghía tuyến đường bê tông, bà Y Nhem là một người dân ở đây phấn khởi bảo: Con đường ra khu sản xuất do Nhà nước hỗ trợ, người dân góp công, góp sức và hiến đất xây dựng. Từ ngày có đường, việc vận chuyển mì, bắp từ rẫy về nhà không còn tốn công, tốn sức như xưa. Xe ô tô có thể đến rẫy để chuyên chở nông sản. Có đường nông thôn mới đi lại thuận lợi, cuộc sống của người dân không còn khó khăn, vất vả như xưa.

Ở thôn Đăk Wất, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei), tôi gặp thôn trưởng A Nuông. Bàn về xây dựng cơ sở hạ tầng, A Nuông khoe: Được Nhà nước đầu tư vốn, dân làng không chỉ tham gia làm đường bê tông mà còn góp công sức xây dựng nhà hiệu bộ, nhà ăn… cho giáo viên và học sinh trong thôn.

“Xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của dân khác trước nhiều rồi. Tham gia xây dựng nông thôn mới là xây dựng cuộc sống cho chính mình, dân làng không ai đứng ngoài cuộc” - A Nuông khẳng định.  

Đặc biệt, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư của Nhà nước có hạn, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân ở các thôn làng xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) không trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, vào rừng tìm tranh, gỗ xây dựng lại ngôi nhà rông khang trang theo lối truyền thống để phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng.

Ông A Mét - Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Ngọc Wang tự hào: Người Tơ - Đrá trong thôn bỏ trên 4.000 ngày công để xây dựng ngôi nhà rông bằng nguyên vật liệu của núi rừng địa phương.

“Nếu tính công, nguyên vật liệu xây dựng ngôi nhà rông này phải trên 1 tỷ đồng. Dân làng vừa mới cúng Yàng, khánh thành và đưa ngôi nhà rông vào sinh hoạt” - A Mét khoe.

Nông thôn như phố thị ở xã Đăk Kan, huyện Ngọc hồi. Ảnh: V.N

 

Đột phá vào lĩnh vực hạ tầng, bộ mặt nông thôn mới ở đâu trong tỉnh cũng có những sự thay đổi đáng kể. Từ các thôn làng vùng ven thành phố Kon Tum, đến các thôn làng vùng sâu ở các xã Ngọc Wang, Đăk Ui, Đăk Psi (Đăk Hà), xã Hiếu, Ngọc Tem, Măng Bút (Kon Plông), hay vùng biên giới Bờ Y, Đăk Xú, Đăk Dục, Đăk Nông (Ngọc Hồi), Đăk Môn, Đăk Long, Đăk Blô (Đăk Glei)…, chúng ta cũng đều thấy dấu ấn về các con đường bê tông liên thôn, liên xã, nội thôn, đường ra khu sản xuất được bê tông, nhà văn hóa, khu thể thao thôn, điểm mầm non được xây dựng kiên cố theo chương trình nông thôn mới.  

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, qua hơn 2 năm thực hiện Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh bê tông hóa được gần 300km đường giao thông nông thôn; xây dựng 200 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xã và trên 90 lớp học mầm non. Toàn tỉnh có 523 công trình thủy lợi tưới cho trên 16.742ha cây trồng theo thiết kế, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển thuận lợi.

Cầu treo Kon Tuh ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy nối khu dân cư với nơi sản xuất. Ảnh: V.N

 

Với việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết hạ tầng nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 9 xã đạt nông thôn mới và dự kiến đến cuối năm nay có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kết quả này thể hiện sự nỗ lực lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tập trung nguồn lực đầu tư, phát huy sức mạnh đoàn kết của người dân nông thôn để kiến tạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính người dân nông thôn.  

Việc kiến tạo hạ tầng nông thôn đang góp phần xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trên nhiều bình diện.    

Văn Nhiên

Chuyên mục khác