Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh trên động vật nuôi

21/04/2017 17:58

​Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp và trước yêu cầu đặt ra, trong những năm qua, lực lượng thú y trong tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả các loại dịch bệnh trên động vật nuôi.

Trong chăn nuôi, một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn đặt ra là việc kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh trên động vật nuôi. Việc kiểm soát, và ngăn chặn dịch bệnh được thể hiện trên nhiều hình thức như: phân công cán bộ kiểm tra, theo dõi, giám sát định kỳ theo tuyến, địa bàn; lấy mẫu gia súc, gia cầm, thủy sản kể cả mẫu môi trường để xét nghiệm; tiêm phòng động vật nuôi; tiêu độc khử trùng, kiểm dịch động vật...

Kiểm soát gia súc tại một cơ sở chăn nuôi lợn ở thành phố Kon Tum. Ảnh: V.N

 

Theo ông Đoàn Bá Quyết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, không tính các năm trước, chỉ riêng năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy 560 mẫu đơn Swab môi trường để xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9; 24 mẫu gộp cá; nhiều mẫu gà… Theo đó, Chi cục nắm bắt các chỉ tiêu vi rút, vi khuẩn trên các loài động vật nuôi này và môi trường để có cơ sở phòng chống bệnh. Đáng mừng là trong năm qua, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Đăk Kan (Ngọc Hồi), Đăk Ngọk (Đăk Hà); 2 ổ dịch lở mồm long móng tại xã Đăk Man (Đăk Glei), phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) được lực lượng thú y phối hợp với các ngành, chính quyền các địa phương kịp thời phát hiện, dập tắt, không để lây lan ra diện rộng.

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, trong quý I/2017, lực lượng thú y trong tỉnh kịp thời phát hiện ổ dịch lở mồm long móng bò tại xã Vinh Quang và ổ dịch lở mồm long móng heo tại phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum). Theo đó, lực lượng thú y cũng đã kịp thời điều trị khỏi bệnh cho bò và tiêu hủy heo bị dịch không để lây lan.

Đối với các bệnh thông thường khác như bệnh New cat xơn, Gumboro ở gà; tiêu chảy ở heo, trâu, bò…cũng được lực lượng thú y ở các địa phương phát hiện, hướng dẫn xử lý và điều trị kịp thời. Số động vật nuôi bị dịch chết, tiêu hủy thấp, phần lớn được chữa khỏi bệnh. Dịch bệnh luôn được kiểm soát.

Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho trâu, bò; vắc xin tam liên (dịch tả heo, tụ huyết trùng và phó thương hàn) cho heo; vắc xin cúm gia cầm cho gia cầm…được triển khai thực hiện tốt theo định kỳ. Người dân cũng ngày càng ý thức việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Số lượng gia súc được tiêm phòng vắc xin dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng…từng đợt/năm thường đạt trên 80% so với tổng đàn.

Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng, vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đi vào nề nếp. Đáng chú ý, trong công tác kiểm soát giết mổ, tính đến thời điểm này, tỉnh ta xây dựng 4 cơ sở giết mổ tập trung ở huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi. Trong đó, cơ sở giết mổ tập trung ở huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô đã đi vào hoạt động ổn định.

Lực lượng thú y theo dõi việc phát triển chăn nuôi bò ở huyện Đăk Hà. Ảnh: V.N

 

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ngày càng được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ tính riêng trong quý I/2017, Chi cục ban hành 9 quyết định xử phạt các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với số tiền gần 100 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước...

Thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên động vật nuôi, tỉnh ta đang từng bước ngăn chặn, thanh toán dịch bệnh nguy hiểm và tạo ra những điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi ở địa phương phát triển.

                                                                  Đào Nguyên

Chuyên mục khác