Kiểm soát chặt thị trường trong dịp Tết

23/01/2024 06:34

Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao, vì thế các đối tượng làm ăn bất chính thường lợi dụng điều này để sản xuất, vận chuyển và đưa vào thị trường tiêu thụ các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bởi vậy, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mùa Tết là nhiệm vụ rất quan trọng, được lực lượng chức năng tập trung thực hiện nhằm góp phần lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người dân.

Càng gần Tết, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh càng phong phú, đa dạng, hoạt động mua sắm của người dân trở nên nhộn nhịp, sôi động. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất, gian thương lợi dụng để tuồn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào thị trường tiêu thụ, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn  2024.

Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết. Ảnh: TH

 

Ông Nguyễn Công Thành Tiên- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Kiểm soát thị trường là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong năm của lực lượng quản lý thị trường, tuy nhiên, vào dịp Tết chúng tôi tập trung cao độ hơn. Theo đó, trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng tăng cường theo dõi, nắm địa bàn, giám sát 24/7 nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các ổ nhóm, các đối tượng đầu mối có hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa với số lượng, quy mô lớn. Trong đó, chú trọng kiểm tra trên các tuyến quốc lộ đoạn qua địa bàn tỉnh, các tuyến trọng điểm gần các cửa khẩu, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hoá trên tuyến biên giới; các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa siêu thị, chợ đầu mối trong nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng có sức tiêu thụ cao vào dịp Tết như bánh kẹo, đường cát, rượu, bia, thuốc lá điếu, nước giải khát và hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng, quần áo, giày dép. Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Thực hiện kế hoạch của Cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian này, các đội quản lý thị trường đang tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh theo từng địa bàn được giao.

Lực lượng quản lý thị trường hướng dẫn người dân ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Ảnh: TH

 

Chẳng hạn như Đội quản lý thị trường số 1, được giao nhiệm vụ kiểm soát thị trường ở địa bàn trung tâm- thành phố Kon Tum  với số lượng cửa hàng kinh doanh và lượng hàng hóa tập kết lớn nhất tỉnh, nên từ tháng 12/2023 đến nay, toàn bộ lực lượng của Đội tăng cường bám nắm cơ sở, mở các đợt ra quân kiểm tra  kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, hoạt động vận chuyển, buôn bán. Trong đó, tập trung kiểm soát hoạt động tại trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, cán bộ, nhân viên của Đội còn kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh và ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Theo ông Nguyễn Công Thành Tiên, qua thực tế việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thị trường dịp Tết trên địa bàn tỉnh các năm tình trạng vi phạm trong kinh doanh hàng hóa xảy ra khá nhiều. lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm như kinh doanh hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái nhãn hiệu, không niêm yết giá hàng hóa, vi phạm về điều kiện bảo đảm trong kinh doanh, bảo quản an toàn thực phẩm.

Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa của lực lượng quản lý thị trường nói riêng và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh nói chung, sẽ góp phần đảm bảo bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần đảm bảo cho người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh và an toàn.                            

Thiên Hương

Chuyên mục khác