Kiểm lâm Kon Tum - 32 năm xây dựng và phát triển

26/05/2023 13:24

Trong 32 năm qua, kể từ khi được thành lập lại (tháng 10/1991), lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ổn định lực lượng và đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV&PTR).

Năm 1991, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có 5 đơn vị trực thuộc, 3 phòng chuyên môn và 76 công chức. Đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có 15 đơn vị trực thuộc, 5 phòng chuyên môn cùng 258 công chức, người lao động.

Lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 686 hội nghị QL, BV&PTR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); hơn 9.960 đợt truyên truyền tại các xã, thôn, làng, 118 lớp tập huấn nghiệp vụ, 627 đợt tuyên truyền tại các đơn vị trường học, 38 đợt diễn tập chữa cháy rừng, với hơn 496.170 lượt người tham gia.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR cho 23.890 hộ dân; xây dựng 727 bảng quy ước bảo vệ rừng tại các thôn, làng; xây dựng mới 18 bảng tuyên truyền cố định và bảng cấp dự báo cháy rừng; củng cố và kiện toàn 80 ban lâm nghiệp xã, 787 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng; tổ chức hàng ngàn cuộc tuần tra truy quét, phát hiện 19.490 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Hầu hết các vụ vi phạm được xử lý kịp thời, đúng quy định. Tổng số tiền phạt và tiền bán lâm sản tịch thu hơn 192,5 tỷ đồng.

Hệ thống tổ chức của lực lượng Kiểm lâm tỉnh ngày càng được củng cố, kiện toàn. Ảnh: Đ.T

 

Công tác phát triển rừng và dược liệu được chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 63.031,68ha rừng tập, khoanh nuôi phục hồi 12.896ha rừng, trồng 16,8 triệu cây phân tán, trồng hơn 1.750ha sâm Ngọc Linh. Chính quyền các địa phương đã giao đất, giao rừng với tổng diện tích 87.485,86ha cho 5.892 hộ gia đình và 332 cộng đồng thôn, làng để quản lý, bảo vệ. Các đơn vị chủ rừng đã khoán 84.619,29ha rừng cho 102 cộng đồng, 3 nhóm hộ và 4.302 hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Toàn tỉnh đã xây dựng quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản, đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Từ năm 2014 đến nay, cấp thẩm quyền đã thu hồi tổng cộng 57.100,42ha diện tích đất chồng lấn từ các đơn vị chủ rừng giao về cho địa phương quản lý, sử dụng.

Ông Võ Sỹ Chung- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ, trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác QL, BV&PTR trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trách nhiệm, vai trò và năng lực chỉ đạo, điều hành QL, BV&PTR của các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương cơ sở ngày càng được nâng cao. Công tác kiểm tra, giám sát rừng được tăng cường. Hệ thống quản lý rừng được xã hội hóa với nhiều hình thức đã giảm thiểu các tác động đến tài nguyên rừng, tạo sinh kế ổn định và nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân.

Trong những năm qua, công tác QL, BV&PTR luôn được các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương cùng người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy quan tâm thực hiện.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Kon Rẫy tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: ĐT

 

Tại thôn 1 (thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy), ông Trần Văn Tuyến- Trưởng thôn cho biết, hằng năm, ban quản lý thôn đều phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng cho người dân trong thôn. Nhờ vậy, người dân không còn phá rừng làm rẫy, gìn giữ diện tích rừng giáp ranh với đất sản xuất, tích cực nhận khoán bảo vệ rừng, thường xuyên tham gia tuần tra rừng và thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng khi phát hiện hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Ông Nguyễn Tấn Phát- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy cho hay, ngay từ đầu các năm, trên cơ sở tham mưu của Hạt Kiểm lâm huyện, UBND huyện Kon Rẫy đã ban hành kế hoạch và đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu trong công tác QL, BV&PTR. Các nhiệm vụ, mục tiêu được toàn hệ thống chính trị và người dân thực hiện nghiêm túc trên tinh thần trách nhiệm cao. Nhờ đó, tại địa bàn huyện, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua từng năm; công tác trồng rừng đạt hiệu quả, vượt chỉ tiêu đề ra.

“Trong thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Thường xuyên rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những bất cập, vướng mắc để việc thực thi nhiệm vụ được thuận lợi, phù hợp với thực tiễn địa phương. Quyết tâm bảo vệ tốt và phục hồi diện tích rừng hiện có, sử dụng tài nguyên rừng, quỹ đất  quy hoạch cho lâm nghiệp hiệu quả, bền vững, phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 64% vào năm 2025”-  ông Võ Sỹ Chung nói.   

Đức Thành

Chuyên mục khác