25/11/2020 06:05
Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hệ thống lắp trên mái nhà của công trình xây dựng và không quá 1 MW, đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 KV trở xuống mới được coi là điện mặt trời mái nhà. Giá mua điện từ dự án điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh), kéo dài trong 20 năm với các dự án đấu nối, vận hành thương mại trước 31/12/2020.
Trong Kế hoạch số 2387/KH-UBND ngày 6/7/2020 của UBND tỉnh xác định: Để cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tiềm năng các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh, tỉnh ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng mới bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích, đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức sản xuất, kinh doanh trong phát triển năng lượng. Theo đó, điện mặt trời mái nhà, hay gọi là điện mặt trời áp mái được tỉnh khuyến khích đầu tư theo chủ trương của Chính phủ.
|
Thời gian qua, tỉnh kêu gọi đầu tư về lĩnh vực điện mặt trời và đã chấp thuận chủ trương để các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực 32 dự án với tổng quy mô 6.782,637 MWp là dự án điện mặt trời nối lưới. Riêng điện mặt trời mái nhà dưới 01 MW được phân phối cho ngành điện thoả thuận đấu nối vào lưới điện đến nay có trên 660 dự án với tổng công suất 31,35MWp và 115 dự án kết hợp nông nghiệp công nghệ cao có tổng công suất 98MWp.
Theo ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương, là một trong những tỉnh có tiềm năng về phát triển điện mặt trời, nhưng hiện trạng đường dây truyền tải điện 220KV, 110KV và các trạm biến áp 220KV, 110KV trên địa bàn để truyền tải, phân phối phục vụ nối lưới các nguồn điện trên địa bàn lại chậm đầu tư theo quy hoạch. Các trạm biến áp 500KV Plei Ku, Plei Ku 2 dự báo sẽ quá tải trong thời gian tới khi các dự án điện gió, điện mặt trời đi vào vận hành. Mặt khác, các vị trí đất phù hợp để đầu tư điện mặt trời mái nhà ở một số địa bàn đang khó khăn về giải toả công suất lên lưới điện do hiện trạng có một số tuyến đường dây 22KV trên địa bàn đang đầy tải…
Ông Nguyễn Kim Chiến - Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết: Với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước, hiện nay ở Kon Tum đang có nhiều nhà đầu tư đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Công ty Điện lực đang tiến hành rà soát lại hiện trạng nguồn và lưới điện; mức mang tải hiện tại và công suất có thể đấu nối điện mặt trời mái nhà vào lưới điện để tiến hành đầu tư bổ sung. Đồng thời, công ty cũng công bố trên website của công ty và các kênh thông tin của ngành điện về thông tin cho từng trạm biến áp, đường dây, xuất tuyến cụ thể trên địa bàn có khả năng giải toả công suất lên lưới điện; công khai cả danh sách khách hàng đã thỏa thuận đấu nối và đã đóng điện đưa vào vận hành…, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng có thể truy cập, tham khảo và có hướng đầu tư phù hợp.
Việc đầu tư điện mặt trời mái nhà đang có sự hấp đẫn, lôi cuốn nhiều người dân đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân cần thận trọng khi đầu tư điện mặt trời, bởi số vốn đầu tư cho mỗi dự án này không hề nhỏ, trong khi thời gian thu hồi vốn lại tương đối dài. Đó là chưa nói đến nhiều yếu tố rủi ro khác nữa. Dù suất đầu tư điện mặt trời đang giảm nhờ giá thiết bị giảm, nhưng điều đặc biệt chú ý hiện nay là việc cung cấp thiết bị điện tái tạo và tấm pin điện mặt trời đang được nhiều công ty chào bán trên thị trường không đạt tiêu chuẩn về phát điện và tuổi thọ, người dân chỉ thực sự hưởng lợi nếu giá thành đi đôi với chất lượng. Ngoài ra, việc đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà cần cẩn trọng trong khâu phòng cháy, chữa cháy nếu lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu như mái nhựa, mái lợp không phải bằng tôn.
Dương Lê