Không nên đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa

20/07/2021 18:20

Ngay khi có thông tin tỉnh ta ghi nhận một số trường hợp dương tính với SARS- Cov-2 và nghi ngờ nhiễm SARS-Cov-2, người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum đổ xô vào các chợ, siêu thị để mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ. Đây là việc làm không cần thiết và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Khai báo y tế trước khi vào mua sắm. Ảnh: TH

 

Ghi nhận của phóng viên Báo Kon Tum vào trưa 20/7, tại Siêu thị Co.op Mart, lượng người xếp hàng để khai báo y tế, chờ đo thân nhiệt vào mua sắm rất đông.

 

Những chiếc xe đầy ắp hàng chờ thanh toán. Ảnh: TH

 

Dù siêu thị liên tục phát đi khuyến cáo khách hàng thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19; nhân viên siêu thị liên tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên mua sắm, tích trữ hàng hóa quá nhiều, siêu thị đảm bảo đủ cung ứng hàng hóa cho người dân trong mọi tình huống, chú ý giữ khoảng cách… nhưng rất nhiều khách hàng vẫn chất đầy hàng hóa lên những chiếc xe đẩy, giỏ kéo. Không ít khách hàng còn tỏ ra vui vẻ khi mua được nhiều hàng hóa như vậy. Các nhân viên siêu thị liên tục phải bổ sung hàng lên các quầy, kệ.

Rau, củ là một trong những mặt hàng được người dân mua nhiều nhất. Ảnh: TH

 

Gian hàng thực phẩm tươi sống cũng tập trung đông người mua. ẢNh: TH

 

Các mặt hàng được người dân mua nhiều nhất là thực phẩm tươi sống, rau củ, mì gói, dầu ăn, nước mắm, giấy vệ sinh…

Dù rằng, mọi người đến siêu thị đều đeo khẩu trang, nhưng việc tập trung đông người ở nơi công cộng vẫn khiến nhiều người lo ngại cho việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ông Đỗ Nhất Quân- Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Kon Tum cho biết: Để chủ động ứng phó với dịch Covid-19, trong đợt này, siêu thị đã tăng lượng hàng dự trữ lên từ 2-3 lần, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Siêu thị cũng đã làm việc với các nhà cung cấp để xây dựng dự trữ, vận chuyển đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong mọi tình huống. Đồng thời, đơn vị đang tích cực đẩy mạnh việc bán hàng online qua zalo, facebook, điện thoại…; người dân nên chọn kênh mua sắm này để hạn chế tập trung đông người tại siêu thị nhằm bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

 

   
Rất đông người dân đổ xô đi mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart Kon Tum. Ảnh: TH

 

“Siêu thị Co.op Mart Kon Tum cam kết không tăng giá bán hàng trong suốt thời gian này, sẵn sàng kéo dài thời gian phục vụ trong ngày nếu nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên. Người dân không cần phải lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung hay giá cả tăng đột biến mà đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa gây ra hiện tượng khan hiếm giả, thiếu hụt cục bộ và tập trung đông người không cần thiết”- ông Đỗ Nhất Quân khẳng định.

Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, ông Lê Như Nhất- Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong bất kỳ tình huống nào thì hệ thống siêu thị và chợ truyền thống vẫn hoạt động bình thường phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Ngành Công thương đã chuẩn bị phương án từ trước và làm việc với các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối, cung ứng tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu từ 20 - 30%. Hiện tại, nguồn hàng hóa trên thị trường vẫn đang rất dồi dào, giá cả ổn định và người dân không cần quá lo lắng.

Để đảm bảo ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đội giá, Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.

Có thể nói, việc ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 và 1 ca nghi ngờ mắc Covid-19 khiến cho tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta “nóng” hơn. Tuy nhiên, người dân cần phải hiểu rõ, các ca dương tính đều được phát hiện tại các chốt kiểm soát dịch ngay cửa ngõ vào tỉnh và được đưa đi cách ly, điều trị kịp thời.

“Cuộc chiến” chống lại dịch Covid-19 ở nước ta vẫn đang kéo dài và có thể phức tạp hơn, chúng ta phải học cách “chung sống” với dịch bệnh, “không lơ là chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, sợ hãi”- theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tránh được âm mưu làm rối loạn hoạt động xã hội mà những kẻ xấu đang cố tình tung tin, gieo rắc trong cộng đồng nhằm đạt được mưu đồ cá nhân và trục lợi.  

Vì vậy, dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có những diễn biến mới, nhưng người dân không nên hoang mang, lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Đây cũng là cách để từng người, từng gia đình trên địa bàn góp phần cùng chính quyền, các ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thùy Hương

Chuyên mục khác