Không lơ là với “giặc lửa”

31/03/2025 13:13

Đến hẹn lại lên, nắng nóng kéo dài, hanh khô, hạn kiệt là những nguy cơ đe dọa sự an toàn của các cánh rừng. Vì vậy, công tác phòng, chống cháy rừng cần được thực hiện từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Theo Quyết định số 99/QĐ-UBND (ngày 28/2/2025) về phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tính đến năm 2024, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 780.247,95ha, trong đó, diện tích đất có rừng là 616.195,94 ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt 63,69%. Đây là kết quả từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bằng những chương trình, giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành và nỗ lực của các chủ rừng, địa phương, người dân toàn tỉnh trong công tác phát triển rừng.

Cùng với mở rộng diện tích, việc quản lý, bảo vệ cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong đó, có công tác phòng cháy chữa cháy rừng.  Hằng năm, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp, các địa phương tích cực thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, vào mùa khô, tại một số địa phương vẫn rải rác xảy ra các vụ cháy rừng gây ra những thiệt hại về rừng, tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Ảnh: T.H

 

Chẳng hạn như năm 2024, tại địa bàn huyện Đăk Tô đã xảy ra 1 vụ cháy làm thiệt hại 8,31 ha rừng thông ba lá trồng năm 2022. Tại thành phố Kon Tum đã xảy ra 2 vụ cháy làm thiệt hại khoảng 3ha cao su, bời lời và 26 ha cây rừng mới trồng. Tại huyện Tu Mơ Rông cũng có 1 vụ cháy làm thiệt hại 1,2ha rừng thông trồng năm 2022 và khoảng 0,1ha bời lời.

Quý I năm nay, tại xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) cũng xảy ra 1 vụ cháy rừng trồng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV InnovGreen với tổng diện tích cây trồng bị cháy khoảng 16,35ha, mức độ thiệt hại 100%. Vụ cháy không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng nhưng đã làm thiệt hại về tài sản (cây trồng) của đơn vị chủ rừng.

Hầu hết xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như người dân đốt, dọn, xử lý thực bì khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy rừng, bất cẩn trong sử dụng lửa khi ở trong rừng.

Có thể thấy, phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để chúng ta phát triển, mở rộng diện tích rừng, tuy nhiên, chỉ một vụ cháy có thể làm thiêu rụi hàng chục héc ta rừng. Ảnh hưởng của cháy rừng không chỉ gói gọn trong những diện tích rừng bị cháy mà nó còn tác động đến môi trường, gây ra những thiệt hại về kinh tế.

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND (ngày 13/2/2025) về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng được các địa phương chú trọng thực hiện. Ảnh: TH

 

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu, xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương với tinh thần “phòng cháy rừng là chính, phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy rừng khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn”. Tăng cường lực lượng kiểm tra, trực chốt, kiểm soát người ra vào rừng, nghiêm cấm các hoạt động đốt xử lý thực bì và các hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây ra cháy rừng, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm.

Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng  theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.

Hiện nay, tỉnh ta đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, dự báo cháy rừng ở một số địa phương như huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà luôn ở cấp 4, 5, mức độ nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Theo dự báo của cơ quan khí tượng, thời tiết nắng nóng còn kéo dài hơn nữa, đây cũng là mùa đốt rẫy của bà con DTTS nên  nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Chính vì vậy, nâng cao cảnh giác, tăng cường các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ cấp thiết, trong đó, lấy phòng là chính.

Để thực hiện hiệu quả công tác này, cùng với các cơ quan chức năng thì cộng đồng dân cư, đặc biệt là người dân sống và lao động tại những khu vực có rừng có thể nói là lực lượng nòng cốt, trung tâm.

Thiên Hương

Chuyên mục khác