Không để thiếu hụt hàng hóa trong mùa mưa bão

17/07/2023 06:25

Dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng chống thiên tai. Do đó, ngành Công thương phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngay từ đầu năm 2023, Sở Công thương phối hợp các địa phương khảo sát, khoanh vùng những khu vực thường bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa- nơi dễ bị chia cắt, cô lập; tiến hành xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, bình ổn giá cả nhằm giúp nhân dân ổn định đời sống trước, trong và sau bão lũ. Đồng thời, chủ động làm việc, vận động các doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối lớn, siêu thị, chợ, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh tham gia tạm trữ, dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng vừa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thời điểm hiện tại, vừa sẵn sàng tiếp ứng đến những nơi xảy ra thiên tai, bão lũ khi cần thiết.

Siêu thị Co.op mart dự trữ lượng hàng hóa lớn, sẵn sàng cung ứng khi có yêu cầu. Ảnh: T.H

 

Hiện tại, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đăng ký dự trữ hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão năm 2023 tập trung chủ yếu ở thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi. Trong đó, có những đơn vị phân phối lớn như Siêu thị Co.opmart Kon Tum, Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum, Siêu thị Vinmart, Đại lý gạo Hoa Cao, Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum đã đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu như 138 tấn gạo, hơn 38.600 thùng mì tôm, 62.270 chai dầu ăn, 9.300 thùng nước uống, hơn 17.000m3 xăng dầu.

Đến thời điểm hiện tại, nguồn hàng dự trữ cho mùa mưa bão năm 2023 đã được các doanh nghiệp tập kết tại kho, sẵn sàng cung ứng kịp thời cho các vùng bị thiên tai, lũ lụt. Các đơn vị cũng đã có kế hoạch điều động xe vận chuyển hàng hóa khi cần huy động.

Như Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum đã triển khai kế hoạch dự trữ 800m3 xăng, 900m3 dầu, khoảng 12 tấn gas phục vụ nhu cầu của khách hàng mùa mưa bão và cam kết bán theo giá niêm yết theo đúng quy định. Khi bão lũ xảy ra, Chi nhánh sẽ huy động các phương tiện vận chuyển xăng dầu đến các khu vực được yêu cầu để phục vụ kịp thời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cho sản xuất kinh doanh. Trường hợp xảy ra sự cố về lưới điện, các cửa hàng đều có máy phát dự phòng, đảm bảo cho công tác bán hàng được liên tục.

Siêu thị Co.op mart Kon Tum là một trong những đơn vị đăng ký dự trữ số lượng hàng hóa lớn với 11 tấn gạo, 3.200 thùng mì tôm, 3.100 kg bột ngọt, 1.800 thùng nước uống cùng với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Ngoài việc dự trữ hàng hóa tại kho, đơn vị có phương án huy động sự hỗ trợ hàng hóa từ các kho trong cùng hệ thống, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời khi các cấp, ngành chức năng yêu cầu.

Siêu thị Co.op mart dự trữ lượng hàng hóa lớn, sẵn sàng cung ứng khi có yêu cầu. Ảnh: T.H


Nhằm chủ động trong việc cung ứng hàng hoá, Sở Công thương đã xây dựng những tình huống thiên tai giả định, trên cơ đó đề ra các giải pháp cụ thể phù hợp tình hình thực tế nhằm đảm bảo việc huy động, vận chuyển hàng hóa hiệu quả, đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng cần.

Cùng với Sở Công thương, các huyện, thành phố trên địa bàn chủ động vận động các doanh nghiệp, đại lý thuộc phạm vi quản lý tham gia tạm trữ, dự trữ, vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết về các xã để cung ứng cho nhân dân khi có bão lũ. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ với tinh thần mỗi hộ gia đình, mỗi thôn, xã phải đảm bảo lượng dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm để sử dụng cho thời gian tối thiểu từ 1-2 tuần lễ; nhất là ở những vùng có nguy cơ bị cô lập khi thiên tai xảy ra.

Chẳng hạn tại huyện Đăk Hà, địa phương đã khảo sát và đánh giá trong trường hợp thời tiết xảy ra mưa bão kéo dài, một số khu vực ở các xã Đăk Pxi, Đăk Ui, Đăk Hring, Đăk Ngọk, Ngọk Réo, Ngọk Wang có thể bị ngập lụt, chia cắt giao thông, làm ảnh hưởng tới đời sống của 533 hộ dân. Vì vậy, các xã, thị trấn trên địa bàn đã vận động các cơ sở kinh doanh xăng dầu, tạp hóa trong vùng dự trữ các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung ứng nhanh nhất trong thời điểm mưa bão, lũ lụt để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, ổn định cuộc sống người dân.

Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường xây dựng phương án kiểm tra, nắm bắt thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng thiên tại, bão lũ để đầu cơ ép giá, găm hàng, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây bất ổn thị trường.

Với mạng lưới thương mại gồm 27 chợ dân sinh, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị tổng hợp, nhiều siêu thị chuyên ngành và hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã giúp cho việc cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng thuận lợi. Và, việc chủ động phương án dự trữ và cung ứng hàng hoá kịp thời, đầy đủ trong những thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ sẽ góp phần đảm bảo tốt bình ổn thị trường, ổn định cuộc sống người dân, tránh những xáo trộn trong đời sống xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thiên Hương

Chuyên mục khác