Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

03/06/2023 06:07

Hiện nay, thời tiết đã bước vào mùa mưa, độ ẩm không khí cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan. Do đó, để bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn các loại dịch bệnh.

Với điều kiện thuận lợi, thời gian qua, huyện Đăk Hà tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tổng đàn gia súc hiện có của toàn huyện là 25.112 con; tổng đàn gia cầm là 285.650 con. Để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại kiên cố, hợp vệ sinh để nuôi nhốt gia súc, hạn chế chăn nuôi thả rông; chủ động tiêm phòng vắc xin, thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Đăk Hà tương đối ổn định, không có dịch bệnh xảy ra.

Là địa phương có đàn gia súc, gia cầm khá lớn, với tổng đàn gia súc hiện có khoảng 71.244 con, gia cầm khoảng 495.000 con, thành phố Kon Tum rất quan tâm đến việc phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Thành phố Kon Tum luôn quan tâm đến việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: T.H

 

Với phương châm phòng bệnh là chính, các cơ quan chuyên môn của thành phố Kon Tum thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê đàn vật nuôi, triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, cúm gia cầm; đồng thời hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, nhất là nơi có nguy cơ cao, vùng giáp ranh, nơi buôn bán, các chợ, cơ sở giết mổ, điểm tập kết, trung chuyển, siết chặt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Nhờ đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở thành phố Kon Tum được kiểm soát hiệu quả.

An toàn trong chăn nuôi là vấn đề luôn được ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng thực hiện, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro và thiệt hại cho người chăn nuôi.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch cho vật nuôi. Cán bộ thú y được giao phụ trách địa bàn thường xuyên bám cơ sở để theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, nhất là tại các ổ bệnh cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh. Ngành Thú y cũng quan tâm triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn; tổ chức tốt tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I năm 2023.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành còn tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm sản phẩm động vật, giết mổ động vật, không để dịch bệnh phát tán làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi.

Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả cần sự chủ động và trách nhiệm của mỗi người chăn nuôi. Ảnh: TH

 

Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 ổ bệnh dịch tả Châu phi tại tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) làm 9 con heo mắc bệnh. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi không xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết bước sang mùa mưa; tình trạng mưa, nắng luôn thay đổi liên tục, khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm sút, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan. Do đó, việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh để  bảo vệ đàn vật nuôi là vấn đề quan trọng, không thể chủ quan, lơ là.

Xác định rõ nhiệm vụ này, ngành Nông nghiệp đề ra nhiều giải pháp, trong đó, tập trung theo dõi phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý dứt điểm không để dịch bệnh lay lan ra diện rộng; tiếp tục tổ chức quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các dịch bệnh nguy hiểm, các quy định phòng chống dịch bệnh đến các hộ chăn nuôi, giết mổ; hướng dẫn và vận người dân chủ động triển khai, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Triển khai lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm, tổ chức tốt các đợt tiêm phòng vắc xin của năm 2023.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc lưu thông các sản phẩm động vật sau giết mổ tại các chợ trung tâm, điểm buôn bán; kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh tại các đầu mối giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Phòng, chống dịch bệnh hiệu quả là yếu tố then chốt đảm bảo cho lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững. Do đó, cùng với việc vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thiên Hương

Chuyên mục khác