19/04/2023 06:49
Trong “bức tranh” kinh tế-xã hội quý I/2023, tôi đặc biệt ấn tượng với mức tăng trưởng GRDP đạt 6,82% so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 3.748,6 tỷ đồng), cao nhất khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 23 cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý cũng tăng 20,9% so với cùng kỳ, đạt 6.047,7 tỷ đồng, bằng 22,4% kế hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng ấy, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I/2023 của UBND tỉnh cho thấy, “dòng chảy” vốn đầu tư công vẫn chưa được “khơi thông”.
Bằng chứng là, dù đánh giá công tác phân bổ và đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, nhưng UBND tỉnh vẫn xác nhận tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
|
Theo đó, tổng kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 tỉnh giao là 4.712,6 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3/2023, toàn tỉnh giải ngân được khoảng 373,9 tỷ đồng, tương ứng 12,62% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao (2.962,16 tỷ đồng) và đạt khoảng 10,42% so với kế hoạch vốn Trung ương giao (3.587,16 tỷ đồng).
Cũng theo UBND tỉnh, nổi lên một số tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cả chủ quan và khách quan.
Đó là công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án còn một số tồn tại, hạn chế. Chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc, chưa được sự đồng thuận của người dân, nhất là đơn giá bồi thường dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chậm, làm ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ. Còn chậm trễ trong công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành. Năng lực, kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và chủ đầu tư còn hạn chế.
Một số vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn. Không ít dự án chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
|
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, phần lớn các chủ đầu tư đang thực hiện việc giải ngân khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2022 và hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2023 nên giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Nhiều ý kiến cho rằng, để dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp, các cơ quan, đơn vị liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương đều có trách nhiệm, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, tư vấn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Biểu hiện rõ nhất là tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án.
Một lãnh đạo địa phương từng “than” rằng: Trước đây, khó khăn nhất là không có tiền để đầu tư. Còn hiện nay, có tiền nhưng lại không “tiêu” được mới là điều lo lắng nhất.
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh và sở, ngành, đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư cần có những nhóm giải pháp, hướng đi cụ thể, quyết liệt. Lựa chọn đúng các “điểm nghẽn”, “nút thắt” để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động rõ rệt.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện từng dự án. Rà soát và kịp thời điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án có khả năng thực hiện.
Mạnh dạn và nghiêm túc đưa vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vào giao ban hằng tháng để nhắc nhở, đôn đốc. Có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án không thực hiện hết kế hoạch vốn đã được giao.
Đặc biệt, để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đây, ngày 13/4, UBND tỉnh có văn bản số 1078/UBND-KTTH về việc đẩy mạnh việc phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu rà soát, phát hiện có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt ấy, “dòng chảy” vốn đầu tư công sẽ được khơi thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch 1025/KH-UBND ngày 10/4/2023 về kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, nội dung kiểm tra, giám sát, gồm: Việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá đầu tư, đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đầu tư, giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư; việc quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và tiến độ thực hiện dự án…
Hồng Lam