05/08/2020 06:02
Tháng 6/2016, Huyện ủy Đăk Tô ban hành Chương trình số 20-CT/HU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, với mục tiêu cụ thể phấn đấu đến cuối năm 2020 có 4/8 xã đạt chuẩn xã nông thôn là: Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào và Ngọk Tụ; đồng thời các xã còn lại đạt từ 50% trở lên các tiêu chí của bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đồng chí Cao Trung Tin - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô chia sẻ, để cụ thể hóa đạt hiệu quả cao nhất công tác xây dựng nông thôn mới ở các xã theo lộ trình đề ra của Chương trình 20, hàng năm, Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên UBND huyện, Ban Chỉ đạo và Ban quản lý các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể các cấp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, với tổng số 194 buổi, 30 ngàn lượt người tham gia.
Để tổ chức hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng nông thôn mới, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã phối hợp với thành viên Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể mức độ đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan của năm trước làm cơ sở xác định nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động năm sau.
Cùng đó, toàn huyện tổ chức phát động phong trào thi đua “Huyện Đăk Tô chung sức xây dựng nông thôn mới”; trong đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện tiến hành đăng ký thi đua, ký kết chương trình phối hợp với các xã. Ở cấp xã, ban chỉ đạo nông thôn mới ở các xã xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua tại địa phương; tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các thôn, các chi hội trực thuộc nhằm triển khai thực hiện đạt các chỉ tiêu, mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới đề ra của năm.
|
Đi cùng với công tác phát động thi đua rộng khắp, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã được củng cố nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện nhiệm vụ được giao. Tại các thôn thực hiện thành lập, củng cố các Ban phát triển thôn để đảm trách triển khai các hoạt động, thực thi từng chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình nông thôn mới.
Đồng thời, hàng năm, đã có hơn 300 cán bộ xã, thôn được tạo điều kiện tập huấn thực hiện các chuyên đề xây dựng nông thôn mới theo các quy định hiện hành. Qua tập huấn, cán bộ các cấp đã nắm chắc các nội dung liên quan, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện chương trình hiệu quả ngay khu dân cư. Mặt khác, các thành viên Ban chỉ đạo nông thôn mới cấp huyện, xã còn được bố trí đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn.
Từ những biện pháp, giải pháp triển khai đồng bộ trên, đến nay, toàn huyện đã huy động tổng nguồn lực hơn 217 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách các cấp 156 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 22 tỷ đồng và vốn lồng ghép, tín dụng khác 39 tỷ đồng. Từ đây, đã góp phần đẩy mạnh các xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2019 đã có 3 xã Kon Đào, Tân Cảnh, Diên Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; xã Ngọc Tụ đang được rà soát và ước đạt chuẩn vào cuối năm 2020. Các xã còn lại đạt trung bình 14,5 tiêu chí/xã của bộ tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới, đạt 76,3% bộ tiêu chí và vượt 23,3% so với kế hoạch đề ra.
Kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới, đến đầu năm 2020, huyện Đăk Tô đạt 5/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới gồm: tiêu chí số 1 về quy hoạch; tiêu chí số 3 về thủy lợi; tiêu chí số 4 về điện; tiêu chí số 5 về y tế - văn hóa - giáo dục; tiêu chí số 8 về an ninh, trật tự xã hội.
Đặc biệt, năm 2019, theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Đăk Tô đã xây dựng kế hoạch thực hiện xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn 3 xã Diên Bình, Tân Cảnh và Kon Đào và phê duyệt Phương án xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” trên địa bàn thôn 2, xã Diên Bình và thôn 1, xã Tân Cảnh. Trong đó, các địa phương tập trung đẩy mạnh và nâng cao thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Mặt khác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển diện tích cây công nghiệp dài ngày, chuyển đổi các diện tích đất trồng sắn, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây cao su, cà phê…
Từ hướng đi trên, huyện đã tập trung chỉ đạo chính quyền các xã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, vận động cán bộ, nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư sản xuất gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 27,55 triệu đồng/năm, tăng 12 triệu đồng/năm so với 2016.
Ngoài ra, các xã đẩy mạnh vận động nhân dân thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết vùng chuyên canh cây trồng như: cà phê, mía, sắn, dược liệu, chanh dây… có tổng diện tích 369 ha. Bước đầu hình thức sản xuất mới này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân đạt mức 60-90 triệu đồng/ha đất sản xuất và hiện đang được nhân rộng toàn huyện.
Năm 2019 cho đến nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chỉ đạo mỗi xã xây dựng một sản phẩm đặc trưng (OCOP). Kết quả, đến nay, huyện có 5 sản phẩm đạt cấp địa phương; 5 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng và cấp giấy công nhận cấp tỉnh.
Những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thời gian qua, đã góp phần đem lại diện mạo mới khang trang và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn cho người dân khu vực nông thôn.
Mai Trâm - Hoàng Kiên