23/03/2018 07:03
Chúng tôi cùng với 30 cán bộ, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã đến tham quan thực tế và thực sự vô cùng phấn khích trước hiệu quả về kinh tế và xã hội của mô hình này.
Anh Thịnh tâm sự, trước bối cảnh các loại bệnh tật ngày càng trẻ hóa và nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, lối sống không lành mạnh…, nên anh đã mạnh dạn khởi nghiệp từ mô hình chế biến dược liệu, nhằm giúp người bệnh nâng cao sức khoẻ thể trạng bằng các loại dược liệu từ núi rừng.
Anh Thịnh cho biết thêm, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng, anh không xin việc tại các cơ quan doanh nghiệp, mà về địa phương mạnh dạn đầu tư mô hình chế biến dược liệu và thành lập Hộ kinh doanh KORA do anh làm chủ.
|
Cơ sở của anh gồm có 2 thành viên chủ chốt đó là vợ chồng anh phụ trách các công đoạn tạo ra giá trị nhiều nhất, bao gồm thu mua nguyên vật liệu đầu vào và tìm kiếm đầu ra.
Anh thu mua dược liệu tái sinh được thu hái trên núi rừng Ngọc Linh, Kon Plông, sau đó rửa sạch, sơ chế, sấy khô, đóng gói và đưa vào thị trường tiêu thụ. Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu có chất lượng cao từ núi rừng, nên hiệu quả điều trị các loại bệnh cao hơn hẳn.
Chị Trịnh Thị Nhung - vợ anh Thịnh, cho biết: Vợ chồng em nhờ hai chị gái của chồng đang công tác trong ngành y để tư vấn các công thức chế biến dược liệu. Đây là một thế mạnh của gia đình khi thực hiện mô hình này.
Hiện nay, cơ sở đang chế biến, sản xuất 40 vị dược liệu rừng nhãn hiệu KORA, như: nấm hồng chi, nấm lim xanh, cốt toái bổ, thổ phục linh, sơn tra, chuối hột rừng, hồng đảng sâm, vương tôn, hoàn ngọc, nhân trần, chè vằng, lạc tiên...
Bên cạnh đó, anh đã sản xuất, thương mại sản phẩm hỗ trợ làm đẹp, chăm sóc da, như: Gel Wax KORA dùng làm tẩy sạch lông không đau rát, tẩy tế bào chết, làm mịn da; mỡ trăn KORA dùng để triệt lông, trị mụn, se khít lỗ chân lông, trị viêm da, mềm mịn da...
Ngoài ra, anh còn phát triển dự án kênh phân phối truyền thống, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong việc quản lý tồn kho, bán hàng, quản lý đơn hàng và xây dựng dữ liệu khách hàng. Dự án đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến, lò sấy phục vụ sản xuất quy mô vừa và nhỏ, với số công nhân thường xuyên từ 5-8 người và diện tích nhà xưởng, sân phơi đạt 2.000m2, với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu đồng, trong đó đầu tư máy móc thiết bị gần 240 triệu đồng, xây dựng nhà xưởng 200 triệu đồng và dự phòng trên 60 triệu đồng.
|
Hiện nay, có 30 đại lý dược thường xuyên đặt hàng của anh. Doanh thu của dự án phần lớn đem lại từ hoạt động kinh doanh chính là cung cấp sản phẩm và giá trị đúng cam kết, các khách hàng quay trở lại mua hàng lần 2 đạt trên 90%, nhờ đó luồng doanh thu đều đặn và ổn định từ 50-80 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của anh, hàng năm, anh lãi ròng 134 triệu đồng, như vậy, sau gần 4 năm, anh sẽ thu hồi vốn và từ đó trở đi sẽ có lợi nhuận ổn định.
Anh Nguyễn Văn Chiến - Phó Bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy cho biết: Bền Chí Thịnh có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn, Hội, Đội tại địa phương. Đặc biệt, từ mô hình chế biến dược liệu này, anh có thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm, giải quyết nhiều lao động nhàn rỗi cho bà con địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định kinh tế, chính trị trên địa bàn.
Vì lý do đó, tại Hội trại Liên hoan Văn hóa - văn nghệ gắn với tuyên dương Thanh Thiếu niên học tập và làm theo lời Bác năm 2017 do Huyện đoàn Kon Rẫy tổ chức vào tháng 5/2017, anh Thịnh đã được UBND huyện tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh Thịnh cũng đã được Tỉnh đoàn trao giải Ba cho Dự án: "Hộ kinh doanh KORA" của huyện Kon Rẫy trong cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”.
Hà Nguyên