Khởi nghiệp từ nuôi ong

27/11/2022 13:08

Với ý chí, nghị lực và quyết tâm không cam chịu đói nghèo, anh Hà Văn Huy (32 tuổi, ở thôn 1, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) đã vượt khó, có thu nhập khá từ nuôi ong. 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, thu nhập chỉ trông chờ vào việc đi cạo mủ cao su thuê, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy Huy luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Theo lời anh Huy kể, trước đây, trong lúc đi cạo mủ cao su, anh thấy một hộ dân ở tỉnh Quảng Nam nuôi ong ở ngay trong thôn mình nên đã mày mò hỏi thăm. Nhận thấy việc nuôi ong có triển vọng nên Huy đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về nuôi ong.  

Năm 2016, anh quyết định vay gần 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi 50 thùng ong. Anh Huy cho biết: Tôi lựa chọn mô hình này vì nhận thấy địa phương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, nguồn mật dồi dào từ hoa cà phê, cao su.

Khởi nghiệp từ nghề nuôi ong, Hà Văn Huy thu lãi lớn. Ảnh: N.S

 

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, đàn ong bị bệnh thối ấu trùng. Thời điểm đó, đàn ong chết, không cho mật đã khiến anh Huy lỗ hơn 20 triệu đồng từ lần đầu nuôi. Không nản chí, Huy quyết tâm đầu tư vốn mua thêm ong chúa ở Hà Nội để gây đàn mới. Đồng thời, tích cực lên mạng học hỏi kiến thức, tham quan các mô hình nuôi ong để có kinh nghiệm chăm sóc hiệu quả. 

Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, mô hình nuôi ong của gia đình dần dần phát triển. Năm 2018, khi đã có một số vốn từ việc bán mật, anh Huy tiếp tục nhân rộng hơn 130 thùng ong. 

Theo anh Huy, để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo cẩn thận của người nuôi khi chăm sóc đàn ong. Mỗi ngày phải tới thăm, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh để thùng ong luôn khô ráo, sạch sẽ. Trong quá trình kiểm tra đàn ong phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh mặc áo có màu sắc sặc sỡ khiến cho đàn ong bị xáo trộn. Đối với từng thời điểm, cần có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong.

Xã Đăk La có điều kiện thuận lợi về khí hậu, nguồn mật dồi dào. Ảnh: NS

 

Anh Huy chia sẻ: Nghề nuôi ong cực lắm. Người nuôi phải am hiểu ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào. Ngoài ra, muốn cho đàn ong phát triển mạnh, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật, khai thác sữa ong chúa và phấn hoa, đặc biệt là xử lý kịp thời hiện tượng ong bốc bay hoặc bệnh thối ấu trùng. Thông thường, ong sẽ cho mật là từ tháng 11 đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Bởi lẽ, thời gian này hoa cà phê sẽ bắt đầu nở và đây cũng là lúc đàn ong đi hút mật nhiều nhất. 

Với sự kiên trì, nỗ lực, mô hình nuôi ong đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình Huy. Hiện tại, mô hình của anh Huy đã có hơn 150 thùng ong. Vào mùa thu mật, cho thu hàng nghìn lít mật, trừ chi phí thu về hơn 100 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi ong lấy mật mà gia đình Huy có cuộc sống khấm khá, kinh tế ổn định. 

“Bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi ong khó khăn nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Với giá bán trên thị trường giảm mạnh so với nhiều năm trước, đến nay 1kg mật có giá chỉ còn từ 25.000 - 26.000 đồng. Phần lớn mật ong thu được của các hộ đều xuất bán thô nên thường xuyên bị ép giá, phụ thuộc vào thương lái. Việc tìm kiếm thị trường ở nước ngoài đòi hỏi sự nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng cũng đang là trở ngại của người nuôi ong ở địa bàn”, anh Huy cho hay. 

Chị Đỗ Thị Thảo - Bí thư Đoàn xã Đăk La (huyện Đăk Hà) cho biết, Huy là thanh niên năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Huy còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào thanh niên, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong cho thanh niên trong xã.      

Nay Săt

Chuyên mục khác