Khởi nghiệp

13/07/2023 06:31

Để khởi nghiệp thành công, mang lại những giá trị cho cuộc sống, không nhất thiết là những ý tưởng quá lớn lao hoặc cao xa, mà có thể từ những công việc rất gần gũi, thiết thực, phù hợp với những gì mà xã hội đang cần.

Năm 1995, thời Jeff Bezos mới khởi nghiệp, Amazon chỉ là một công ty bán sách nhỏ. Jeff và các nhân viên quỳ trên sàn xi măng, đóng từng kiện hàng một.

25 năm sau, vào năm 2020, Amazon vươn lên thành đế chế bán lẻ lớn nhất hành tinh, giá trị thị trường vượt quá 1 nghìn tỷ đô la, với hơn 840,000 nhân viên chính thức và bán thời gian. Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới.

Tất cả mọi người đều muốn biết Jeff Bezos đã xây dựng Amazon như thế nào và trở nên thành công trong một thời gian ngắn như vậy.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Jeff Bezos đã tiết lộ một vài bí mật: Sẵn sàng nắm lấy cơ hội và thất bại, tập trung vào dài hạn, đặt khách hàng lên trên hết, có giấc ngủ trọn đêm, không ra quyết định quan trọng quá sớm hay quá muộn trong ngày.

Khi đọc có một câu hỏi “quái” là: Nếu chỉ cần đi theo công thức này là đủ, thì thế giới sẽ có bao nhiêu Jeff Bezos và Amazon?

Hiển nhiên là sẽ rất, rất nhiều.

Khởi nghiệp là một hành trình không hề dễ dàng. Ảnh: TH

 

Câu chuyện về đế chế bán lẻ Amazon và Jeff Bezos cho thấy, ngay cả các “ông trùm” cũng phải trải qua những tháng ngày khởi nghiệp long đong  lận đận.

Mà thôi, đó là chuyện ở tầm… thế giới. Bây giờ sẽ kể câu chuyện khởi nghiệp ở ta. Vì nghề nghiệp, tôi tiếp cận được vài câu chuyện khởi nghiệp khá ly kỳ, có thể nói là đầy thăng trầm.

Tôi có người em tên H., chơi khá thân, từng đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, cậu ta trải qua những tháng ngày gian khó, và cách đây mấy năm hăng hái khởi nghiệp.

H. thành lập một dự án du lịch xanh, hăng hái kêu gọi vốn đầu tư. “Khi bắt đầu, tôi tràn đầy tự tin. Tôi chắc chắn rằng tất cả những gì mình làm đều sẽ thành công, bởi tôi hiểu biết về nó. Và đặc biệt, trước tôi, đã có nhiều người thành công”- H. kể.

Trước khi bắt tay vào làm, H., gặp gỡ rất nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tôi định đầu tư. Khi nói chuyện với họ, H. nhận thấy họ có tầm nhìn khá xa khi nói về điều đó, nên lắng nghe ý kiến của họ, nhất là ý kiến phản biện, vì biết đây là điều có lợi.

Những cuộc trò chuyện ấy ảnh hưởng rất lớn tới tôi, gieo một niềm tin trong tôi rằng, thành công sẽ tới, chỉ cần có ý tưởng và đam mê- H. nhớ lại.

Sự thật không như là mơ. Dự án thất bại, vốn liếng bay sạch, và H. cay đắng nhận ra rằng, biến ý tưởng thành hiện thực không dễ. Cũng không phải cứ có quyết tâm, nỗ lực và “công thức khởi nghiệp thành công” từ người đi trước là sẽ khởi nghiệp thành công.

Sau đó, với đam mê của mình, H. tiếp tục nghiên cứu và triển khai dự án nuôi yến. Với nỗ lực vượt qua khó khăn, kiên trì đi theo con đường đã chọn, đến nay có thể nói dự án đã khá thành công. Sản phẩm của doanh nghiệp được thị trường chấp nhận; mạng lưới tiêu thụ mở rộng nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tất nhiên, đây là một hành trình không hề dễ dàng!

Đam mê khởi nghiệp phải đi liền với ý chí, nghị lực. Ảnh: T.H

 

Theo H., đam mê và niềm khát khao không đảm bảo sự thành công nhưng đó là điều kiện cần, yếu tố đủ là kiến thức, kỹ thuật. Do đó, dù khát khao, đam mê rất lớn, người khởi nghiệp vẫn có thể thất bại, nếu để đam mê và khao khát lấn át lý trí, kiến thức.

Nhưng không vì thế mà đánh mất tinh thần khởi nghiệp, cũng không nên định danh “khởi nghiệp” một cách phức tạp, hay cho rằng chỉ dành cho giới “tinh hoa”- những người đã có nền tảng hoặc tài năng.

Bởi khi nhìn nhận dưới góc độ ấy, thiếu sự đa chiều hay phổ cập, thì ta sẽ có thái độ cảnh giác và hoài nghi. Thậm chí ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp.

Những năm gần đây, với sự quan tâm thúc đẩy, hỗ trợ của Nhà nước, khởi nghiệp đang là làn sóng mới trong giới trẻ, được toàn xã hội quan tâm.

Ở tỉnh ta, ngày 21/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 44/QĐ-UBND về Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2021- 2025 nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

Trong đó, xác định đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc kết nối các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm chính quyền, trường đại học, các trung tâm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư  nhằm tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất để dự án, ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn lực và hiện thực hóa dự án, ý tưởng.

Đây sẽ là động lực lớn lao để các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp, và dám khởi nghiệp.

Để khởi nghiệp thành công, mang lại những giá trị cho cuộc sống, không nhất thiết là những ý tưởng quá lớn lao hoặc cao xa, mà có thể từ những công việc rất gần gũi, thiết thực, phù hợp với những gì mà xã hội đang cần.

Tuy nhiên, khởi nghiệp phải đi liền với ý chí, nghị lực, để khi gặp khó khăn có thể vượt qua và luôn kiên định với những ý tưởng mình đã lựa chọn. Đồng thời, khởi nghiệp không chỉ là khởi đầu “làm ăn” mà phải gắn với lập thân, lập nghiệp và làm một việc gì đó tốt hơn, có trách nhiệm với xã hội.

Và điều hết sức quan trọng mà những doanh nhân có kinh nghiệm khuyên bạn trẻ khởi nghiệp là: Phải có đam mê, khát khao, nhưng như thế là chưa đủ. Để khởi nghiệp thành công còn cần ý chí, nghị lực, kiến thức và sự tính toán kỹ lưỡng.

Niềm đam mê giúp người khởi nghiệp có quyết tâm, tâm huyết với dự án. Ý chí và nghị lực giúp người khởi nghiệp có thể vượt qua gian khó. Kiến thức và sự tính toán kỹ lưỡng giúp người khởi nghiệp lường trước được những gì cần và đủ cho dự án.

Người khởi nghiệp cũng cần có tư duy phản biện trong mọi trường hợp. Cần suy nghĩ độc lập nhưng cũng phải để ý tới những góc nhìn khác, chủ động tham khảo ý kiến người xung quanh. Tất nhiên, bạn cần chọn lọc những gì tốt cho dự án từ những ý kiến ấy.        

Thành Hưng

Chuyên mục khác