04/06/2023 06:01
Năm 2022, huyện biên giới Ia H’Drai có gần 690 hộ thoát nghèo, giảm trên 20% hộ nghèo so với năm 2021, là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh Kon Tum.
Một trong những nền tảng làm nên thành công ấy là các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Ia H’Drai luôn đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Từ đó, đa số hộ nghèo, cận nghèo trong huyện có nguồn lực để phát triển sản xuất và cuộc sống.
Ông Đinh Văn Trung- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia H’Drai, cho biết nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải quyết cho trên 2.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng dư nợ trên 173 tỷ đồng. Tiếp cận được với nguồn vốn này các hộ nghèo rất vui mừng phấn khởi đầu tư vào cây, con giống hợp với thổ nhưỡng. Từ nguồn vốn vay các hộ dân thực hiện đúng các phương án sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Trong bối cảnh kinh tế- xã hội ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để khơi dòng, tạo vốn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh, tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng đảm bảo chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động; triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả chủ trương hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ…
Tính đến tháng 5/2023 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt trên 43.300 tỷ đồng. Cơ cấu tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, các ngành nghề là thế mạnh của tỉnh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Hơn 2 năm qua, tỉnh có 630 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn điều lệ khoảng 13.100 tỷ đồng, thu hút được 68 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng. Ông Huỳnh Thanh Tú- Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum cho biết, cùng với khơi thông nguồn vốn, việc thu hút được nhiều nhà đầu tư đang là động lực thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trẻ của tỉnh phát triển.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Khi thu hút các nhà đầu tư lớn về tỉnh Kon Tum thì chúng tôi cũng sẽ có sơ hội phát triển”- ông Huỳnh Thanh Tú khẳng định.
Cùng với huy động, thu hút được nguồn vốn đầu tư tư nhân, tỉnh Kon Tum sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công để định hướng và thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Với tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 là trên 3.200 tỷ đồng, năm 2023 trên 4.700 tỷ đồng, UBND tỉnh Kon Tum thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả.
Ông Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh đang tiếp tục tạo được dấu ấn tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế- xã hội.
|
“Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Kon Tum năm 2022 tăng 24 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Trong quý I, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Kon Tum là 6,82%, cao nhất trong khu vực Tây Nguyên và xếp thứ 23 của cả nước. Các chế độ chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định góp phần phục hồi phát triển kinh tế- xã hội”- ông Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025, kinh tế- xã hội tỉnh Kon Tum đã phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020- 2022 tăng trưởng khá, bình quân 8,45%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. Thu ngân sách từ 3.000 tỷ đồng năm đầu nhiệm kỳ lên trên 4.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ trên 43 triệu đồng lên trên 52 triệu đồng.
Từ một tỉnh khó khăn của khu vực Tây Nguyên, Kon Tum đang nỗ lực vươn lên mạnh mẽ.
Khoa Điềm