Khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế vườn

14/04/2024 05:58

Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả quỹ đất và lao động sẵn có, thời gian qua, các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tỉnh ta có nhiều điều kiện phát triển kinh tế vườn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, người dân vẫn chưa nhìn nhận đúng và biết cách khai thác hiệu quả đất vườn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình. Một thực trạng phổ biến ở nhiều nơi là vườn rộng, nhưng việc bố trí cơ cấu cây trồng không hợp lý, thiếu tính quy hoạch nên khó áp dụng khoa học kỹ thuật  vào sản xuất, không tạo được sản phẩm số lượng lớn mang tính hàng hóa; vì thế chưa mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Để góp phần đa dạng hóa thu nhập cho người dân, hoàn thiện thêm tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy, đưa các loại cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao vào sản xuất; sắp xếp, bố trí lại cấu trúc không gian vườn của các hộ gia đình một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ người dân tiến hành cải tạo vườn tạp gắn với phát triển các loại cây ăn quả, cây hàng hóa khác.

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Hà đã biết tận dụng quỹ đất vườn để phát triển trồng trọt, chăn nuôi hợp lý. Ảnh: T.H

 

Đăk Hà là một trong những địa phương điển hình trong việc khơi dậy tiềm năng đất vườn để cải thiện thu nhập cho người dân, thực hiện giảm nghèo. Thời gian qua, địa phương phát động phong trào cải tạo vườn tạp gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Để thực hiện được điều này có hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc giúp đỡ người dân, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo vườn tạp bằng những việc làm thiết thực. Qua đó, vừa phổ biến kiến thức, vừa giúp người dân tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất, từ đó lan rộng các mô hình.

Chỉ tính riêng năm 2023, huyện Đăk Hà trồng mới 97,58ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 2.059ha, trồng mới 138,7ha mắc ca, hiện địa phương có 464,01ha mắc ca, 409ha cây dược liệu…

Xác định kinh tế vườn đóng vai trò trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, huyện Sa Thầy tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung vận động, định hướng, hỗ trợ  người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ người DTTS khai thác, sử dụng hiệu quả vườn nhà, đất rẫy phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật, hướng dẫn để người dân biết cách tổ chức sản xuất, đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện ở  từng nơi và khả năng của từng gia đình.

Nhờ đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Sa Thầy tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng, đến nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt  1.571,1ha, cây mắc ca 247,6ha, tổng đàn gia súc là 25.492 con, cao hơn so với với kế hoạch đề ra.

Nhiều nơi, người dân đã biết khai thác, phát huy hiệu quả đất vườn để gia tăng thu nhập. Ảnh: TH

 

Cùng với cải tạo vườn tạp, nhiều hộ dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động đầu tư, phát triển những mô hình kinh tế trang trại hiệu quả.

Toàn tỉnh có 101 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó, có 34 trang trại trồng trọt, 28 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại thủy sản, 7 trang trại lâm nghiệp, 31 trang trại tổng hợp. Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp, các trang trại đã phát huy tốt lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn lao động tại chỗ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động với thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế vườn, nhưng nhận định của UBND tỉnh tại phiên họp trực tuyến với các huyện, thành phố của tỉnh nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế- xã hội quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2024 (diễn ra ngày 29/3), công tác cải tạo vườn tạp của đồng bào DTTS tại các thôn, làng còn nhiều hạn chế, chưa được như kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, ở nhiều thôn, làng, nhất là vùng sâu, vùng xa của tỉnh, vẫn còn tình trạng người dân bỏ đất trống, nếu có trồng trọt thì cũng rất manh mún, mỗi loại vài cây, chủ yếu sử dụng giống cũ của địa phương, năng suất, chất lượng đều thấp, nên không mang lại giá trị kinh tế, không phát huy hiệu quả đất vườn.

Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các địa phương, trong năm 2024, mỗi huyện, thành phố của tỉnh chỉ đạo thực hiện cải tạo vườn tạp tại các thôn, làng trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đạt ít nhất 200 ha/quý.

Việc đánh thức tiềm năng đất vườn vừa giúp khai thác hiệu quả  đất đai, vừa tận dụng được lao động nhàn rỗi, tạo thêm việc làm cho người dân đưa kinh tế hộ phát triển bền vững.       

Thiên Hương

Chuyên mục khác