Khoai lang Nhật Bản trên đồng đất địa phương

23/04/2018 07:00

​Khoai lang tím Nhật Bản thơm ngon, có hàm lượng dinh dưỡng cao và được đưa vào trồng khảo nghiệm ở tỉnh ta trong thời gian gần đây. Qua kết quả hỗ trợ cho nông dân xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) và xã Đăk La (huyện Đăk Hà) trồng khoai lang Nhật Bản trong vụ đông-xuân 2017-2018, giống khoai lang này được đánh giá khá cao.

Trong các loại cây trồng ngắn ngày, những năm gần đây, người nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh thường trồng các loại khoai lang để lấy củ, lá ăn và bán. Cây khoai lang phù hợp với nhiều loại đất ở tỉnh và có giá trị kinh tế cao hơn so với lúa trên một đơn vị diện tích. So với khoai lang ta, củ khoai lang Nhật Bản có đặc trưng khi nấu chín: thơm, bùi và giàu dinh dưỡng nên được nhiều người ưa thích.

Theo Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản tỉnh, để thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước tưới sang cây trồng cạn, vụ đông - xuân 2017 - 2018, Trung tâm tiến hành hỗ trợ giống, 50% vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ dân xã Đoàn Kết và Đăk La trồng hơn 1 ha khoai lang tím Nhật Bản.

Giống khoai lang tím Nhật Bản cho nhiều củ. Ảnh: Đ.N

 

Qua việc triển khai thực hiện mô hình, Trung tâm cho biết, giống khoai lang tím hỗ trợ cho dân trồng có nguồn gốc do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc chọn tạo từ tổ hợp Murasa Kimasari polycross, có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Giống này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống năm 1997 và sản xuất nhiều ở các tỉnh phía nam. Trong quá trình trồng và chăm sóc, khoai lang tím Nhật Bản xuất hiện một số bệnh héo rũ thân lá (do nấm bệnh), bọ hà (côn trùng) gây hại. Tuy nhiên, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn dân xử lý bệnh hại bằng các chế phẩm sinh học nên dịch hại từng bước được loại trừ, khoai lang sinh trưởng và phát triển tốt.

Mặc dù sản xuất khoai lang vụ đông xuân gặp thời tiết lạnh, rét kéo dài ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, nhưng năng suất khoai lang tím Nhật Bản vẫn đạt bình quân 10,6 tấn/ha, cao hơn các giống khoai lang khác. Với năng suất trên và giá bình quân bán 10 nghìn đồng/kg, tính ra người trồng thu được khoảng 100 triệu đồng/ha, nếu trừ chi phí đầu tư (giống, vật tư và công chăm sóc), người trồng lãi trên 50 triệu đồng/ha. So với trồng lúa, người nông dân trồng khoai lang có thu nhập cao hơn.

Là nông dân trực tiếp tham gia mô hình, ông Phạm Xuân Dương (xã Đăk La) cho biết, gia đình ông được Trung tâm hỗ trợ trồng 900m2 khoai lang tím Nhật Bản. Khoai lang Nhật Bản phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương, dễ trồng và chăm sóc. Qua hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, gia đình thu hoạch bình quân 0,5 kg củ/dây. Với giá bán như hiện nay, gia đình thu gần 12 triệu đồng. Nếu trừ hết chi phí đầu tư (kể cả công chăm sóc), gia đình lãi khoảng 6 triệu đồng. Trồng khoai lang Nhật Bản lãi hơn so với trồng lúa.

Trao đổi về việc thực hiện mô hình, ông Lương Văn Mở (xã Đăk La) cũng đánh giá cao khoai lang tím Nhật Bản. Trong vụ đông xuân 2017-2018, gia đình ông tham gia trồng 1.600m2 khoai lang Nhật Bản. Qua đánh giá, bình quân mỗi dây cho khoảng 0,4kg. Với giá bán như hiện nay, tính ra gia đình ông dự thu gần 16 triệu đồng. Nếu trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông lãi khoảng 8-9 triệu đồng.

Thu hoạch bình quân 0,5kg củ/dây. Ảnh: Đ.N

 

Từ kết quả bước đầu sản xuất, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhận định rằng, khoai lang tím Nhật Bản sinh trưởng và phát triển tốt ở địa phương, phù hợp với cơ cấu cây trồng trên diện tích đất thiếu nước tưới vụ đông xuân và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.

Tuy nhiên, để có cơ sở khuyến cáo nông dân, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất khoai lang tím Nhật Bản trong vụ mùa này ở hai địa phương trên.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác