Khoa học và Công nghệ - đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội

18/05/2020 13:02

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là đòn bẩy để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thời gian qua, Sở KH&CN đã đẩy mạnh công tác tham mưu, tổ chức đánh giá nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng các đề tài, dự án KHCN áp dụng vào sản xuất và đời sống.

Trong chương trình phối hợp, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ký kết Chương trình hợp tác với Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) về công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực. Phối hợp với Sở KH&CN các tỉnh, thành phố thuộc vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên ký kết chương trình liên kết, hợp tác hoạt động KHCN giai đoạn 2019-2021. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan trao đổi và ký kết hợp tác giữa Sở KH&CN tỉnh Kon Tum và Viện Nghiên cứu Sâm Jinan, tỉnh Jeonlabuk, Hàn Quốc.

Năm 2019, Sở KH&CN tiếp tục chuyển giao kết quả 4 đề tài, dự án nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga (phải) thăm gian hàng trưng bày sản phẩm.
Ảnh: QM

 

Công tác nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN được đẩy mạnh đem lại hiệu quả, cụ thể: đã ký kết, triển khai thực hiện 5 hợp đồng dịch vụ, tư vấn, chuyển giao công nghệ; sản xuất, cung cấp ra thị trường hơn 4.000 kg chế phẩm vi sinh dùng để xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, 1,2 tấn giá thể hữu cơ, 2.259 hũ đông trùng hạ thảo, 2.500 cây giống ba kích, 30.000 chồi và 16.000 cây giống lan kim tuyến, 1.930 cây lan giả hạc, kiểm định, hiệu chuẩn 3.858 phương tiện đo các loại, thử nghiệm và trả kết quả 1.250 mẫu sản phẩm, hàng hóa, đo điện trở tiếp đất hệ thống chống sét cho 105 công trình, kiểm xạ cho 9 phòng chụp X-quang, kiểm định chất lượng 10 máy chụp X-quang…

Từ đầu năm đến nay, Sở đã phê duyệt triển khai 02 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học; đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt 1 dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh đa chức năng sản xuất phân hữu cơ vi sinh POLYFA từ than bùn và phụ phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum” thuộc Chương trình Nông thôn miền núi do doanh nghiệp chủ trì thực hiện. Tiếp tục triển khai thực hiện 3 dự án: Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm Cà phê của huyện Đăk Hà; Quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Dược liệu Kon Tum” dùng cho các sản phẩm dược liệu của tỉnh (đảng sâm, ngũ vị tử, ý dĩ, lan kim tuyến, đương quy …); quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”; tiếp tục triển khai 12 đề tài và phê duyệt 7 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh.

Trưng bày sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh. Ảnh: QM

 

Ông Đoàn Trọng Đức - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Nhìn chung, các đề tài dự án sau khi nghiên cứu thì được công bố và chuyển giao đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để ứng dụng mở rộng sản xuất gắn liền với việc từ nghiên cứu đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký giải pháp hữu ích và đề xuất dự án tham gia các chương trình phát triển tài sản trí tuệ quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, nghiên cứu KH&CN, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm. Tỉnh thiếu chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực KH&CN. Nguồn lực đầu tư cho KH&CN từ ngân sách hạn chế… Thời gian tới, khi nền kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng tác động mạnh mẽ, đòi hỏi mỗi cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần đổi mới sáng tạo, tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN để thích ứng và đi lên.

Khoa học công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngoài việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong tất cả các lĩnh vực đời sống, Sở KH&CN đặc biệt chú trọng đến các giải pháp để duy trì, nhân rộng việc ứng dụng các mô hình, đề tài, dự án KHCN có hiệu quả vào sản xuất, đời sống. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để tiếp cận với cuộc cách mạng KHCN lần thứ tư, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực trên địa bàn; đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, trong đó tập trung đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù, sản phẩm chủ lực của tỉnh và các địa phương trong tỉnh như cà phê, sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

“Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp KH&CN đến năm 2025; Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025; tăng cường thực hiện Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; lựa chọn những đề tài, dự án KH&CN cấp thiết có tính ứng dụng cao và có địa chỉ ứng dụng cụ thể, tập trung công nghệ chế biến gắn với doanh nghiệp để đưa vào triển khai năm 2020 và những năm tiếp theo” - ông Đoàn Trọng Đức cho biết thêm.       

Quang Mạnh

Chuyên mục khác