Khổ sở vì sống chung với mùi hôi từ nhà máy chế biến mủ cao su

30/10/2023 06:59

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân ở xã Đăk Nông, ở thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) và ở xã Kroong (thành phố Kon Tum) đã phải khổ sở, khi phải chịu đựng mùi hôi do các nhà máy chế biến mủ cao su đang hoạt động trên địa bàn gây ra. Người dân không khỏi lo lắng đến sức khỏe, bởi hàng ngày họ phải hít thở không khí không trong lành, do mùi hôi nồng nặc của chất thải xả ra môi trường từ hoạt động sản xuất, chế biến của các nhà máy.

Vừa qua, trong chuyến công tác tại huyện Ngọc Hồi, Đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra đột xuất về tình hình xả thải ra môi trường của Nhà máy chế biến mủ cao su Công ty TNHH Cao su Đại Lợi Kon Tum tại thôn Nông Nhầy 2, xã Đăk Nông. Qua kiểm tra, phát hiện quá trình sản xuất của nhà máy này gây ra mùi hôi nồng nặc, bay xa hàng cây số. Càng gần nhà máy thì mùi hôi càng nồng nặc, khó chịu.

Theo người dân thôn Nông Nhầy 2, từ nhiều năm nay, các hộ dân đã phải sống chung với mùi hôi phát sinh từ hoạt động chế biến mủ cao su.

Khu vực chế biến của Nhà máy chế biến mủ cao su Công ty TNHH Cao su Đại Lợi Kon Tum nhếch nhác. Ảnh: T.H

 

Chị Y.Kh cho biết: Mùi hôi rất kinh khủng và thường phát tán mạnh nhất vào khoảng nửa đêm về sáng, buổi trưa và những ngày gió mạnh. Nhiều hôm cả nhà đang ngủ mà mùi hôi bay tới khiến mình thấy ngột ngạt, khi ăn cơm không nuốt nổi.

Còn ông A.K thì chia sẻ: Từ ngày nhà máy chế  biến mủ cao su trên địa bàn đi vào hoạt động đến giờ, người dân thực sự khổ sở vì mùi hôi. Người lớn thì còn chịu được, thương nhất là tụi nhỏ, dễ bị bệnh. Chúng tôi mong nhà máy có biện pháp xử lý, giảm thiểu mùi hôi để người dân được hít thở bầu không khí trong lành.

Theo thông tin từ UBND xã Đăk Nông, Nhà máy chế biến mủ cao su Công ty TNHH Cao su Đại Lợi Kon Tum đi vào hoạt động từ năm 2018, thời gian hoạt động 9 tháng/năm, với công suất thiết kế 8.000 tấn/năm. Nhà máy có quy mô diện tích khoảng 3ha nằm trong khu quy hoạch cụm công nghiệp của huyện cách khu dân cư gần nhất trên 1km. Từ khi hoạt động đến nay, người dân khu vực lân cận nhà máy thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi.

Không chỉ người dân trên địa bàn xã Đăk Nông phải hứng chịu mà ngay cả người dân thị trấn Plei Kần cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ hoạt động chế biến mủ cao su.

Ông P.Q.Nh (thôn 7, thị trấn Plei Kần) phản ánh:  Mặc dù cách nhà máy tới 4km, nhưng người dân ở đây cũng thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi phát sinh từ hoạt động của nhà máy, nhất là khi thời tiết nóng bức, gió to càng nặng mùi. Mùi hôi nhiều lúc khiến tôi thấy khó thở, tức ngực. Mọi người đều rất lo lắng cho sức khỏe, nhưng không biết làm sao được.

Khu vực tập kết mủ của nhà máy. Ảnh: TH

 

Theo phản ánh của người dân, mùi hôi thối từ hoạt động sản xuất của Nhà máy chế biến mủ cao su Công ty TNHH Cao su Đại Lợi Kon Tum gây ra có thể phát tán trong bán kính khoảng 5 km. Vì thế, không khí ô nhiễm bao trùm cả một khu vực rộng lớn.

Tương tự, suốt thời gian qua, nhiều người dân xã Kroong, thành phố Kon Tum cũng phải khổ sở vì sống chung với tình cảnh ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất của Nhà máy mủ cao su của Công ty Cổ phần Vạn Lợi Kon Tum.

Bà Tr.Th.T (thôn Trung Nghĩa Đông, xã Kroong) cho biết: Nhà tôi cách không xa nhà máy nên thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, nhất là vào đầu mùa khô, cứ phải đóng cửa nhà suốt. Vậy nhưng, có những hôm thời tiết thay đổi, chỉ cần mở cửa ra là mùi hôi thối xộc thẳng nhà khiến tôi thấy đau đầu không chịu nổi.

Người dân thôn Trung Nghĩa Đông cho biết, trước đây người dân từng phản ánh việc này lên chính quyền địa phương, song không rõ đã xử lý ra sao.

Việc các nhà máy chế biến mủ cao su hoạt động đã góp phần khai thác vùng nguyên liệu, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, các nhà máy cần đảm bảo hài hòa giữa sản xuất và bảo vệ sức khỏe của người dân để người dân không phải sống khổ sở và bất an, vì không khí ô nhiễm gây ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.  

Thùy Hương

Chuyên mục khác