Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Tu Mơ Rông

05/07/2019 13:00

Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Tu Mơ Rông tiến hành thành lập và chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp trên địa bàn; huy động các nguồn lực xã hội và sự tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Chúng tôi về xã Đăk Rơ Ông - địa phương được tỉnh chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới của huyện Tu Mơ Rông để tìm hiểu về công tác triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở nơi đây.

Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Đăk Rơ Ông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, các thôn, làng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; tranh thủ mọi nguồn lực và huy động sức dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi.

Ông Lâm Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết: Theo kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, xã Đăk Rơ Ông sẽ cán đích nông thôn mới. Thời gian qua, Đảng ủy ban hành các nghị quyết chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đưa các nội dung tuyên truyền chỉ đạo thực hiện nông thôn mới vào trong chương trình hoạt động hàng tháng, quý; huy động tối đa các nguồn hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án để xây dựng hạ tầng nông thôn; phát huy tốt vai trò nòng cốt của người dân để người dân thực sự trở thành chủ thể trong vấn đề xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, nhiều tuyến đường liên thôn và công trình thủy lợi đã được hoàn thành. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp và với điều kiện của một xã vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch thực sự khó khăn…

Tính đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 13 triệu đồng; hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều vẫn còn 363 hộ, chiếm đến 43,42%... Do đó, việc thực hiện tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo theo đúng lộ trình chương trình xây dựng nông thôn mới 2020 là rất khó khăn và khó có thể “cán đích” đúng hẹn.

Được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhưng đến nay xã Đăk Rơ Ông chỉ mới đạt được 9/19 tiêu chí.

Không chỉ Đăk Rơ Ông, các xã còn lại của huyện Tu Mơ Rông cũng chỉ mới đạt từ 5 đến 9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trong những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã tập trung lãnh đạo, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ưu tiên xã được chọn làm điểm. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện sản xuất của người dân và địa hình còn nhiều khó khăn nên việc để xã điểm cán đích nông thôn mới vào năm 2020 là điều gần như không thể thực hiện được.

Ông Vương Văn Mười cho rằng, nếu có phấn đấu lắm thì đến hết năm 2020 xã được chọn làm điểm cũng chỉ có thể đạt được 14 tiêu chí. Các tiêu chí khó đạt được là giao thông, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, y tế và tiêu chí về giáo dục.

Để đến năm 2020 huyện Tu Mơ Rông có 2 xã Đăk Rơ Ông và xã Ngọc Lây (xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện) đạt chuẩn nông thôn mới là “bài toán” khó đối với địa phương.

Trước những khó khăn trên, huyện Tu Mơ Rông đã đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chọn làm điểm và triển khai xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại trên địa bàn huyện.

Hiện, Tu Mơ Rông đang huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội; tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, làm cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn trong thời gian tới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân…

Hạ tầng ở vùng nông thôn Tu Mơ Rông đang từng bước được đầu tư. Ảnh: VP

 

Bảo Châu

Chuyên mục khác