11/06/2017 14:02
Cái khó đầu tiên là do nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn, trong khi đó, đời sống của người dân còn nghèo nên việc huy động nguồn lực trong nhân dân rất hạn chế, nhất là huy động nguồn lực về tài chính để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
|
Đơn cử, theo UBND xã Đăk Tờ Kan, để thực hiện xây dựng nông thôn mới, trước hết phải hoàn thành quy hoạch, nhưng ngay cả việc quy hoạch cũng chưa xong nên rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí. Nguyên nhân là do thiếu nguồn kinh phí để thuê các đơn vị tư vấn trong việc triển khai lập quy hoạch chi tiết để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Hay việc thực hiện tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Đây là điều khiến chính quyền Đăk Tờ Kan “đau đầu” và loay hoay tìm hướng giải quyết. Mặc dù người dân sẵn sàng góp công, góp sức, thậm chí sẵn sàng hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng để huy động được nguồn lực tài chính trong dân là vô cùng khó khăn, trong khi nguồn đầu tư của Nhà nước thì có hạn.
Ông Nguyễn Thuận Hóa - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan cho biết: Sau mấy năm xây dựng nông thôn mới, về tiêu chí cơ sở hạ tầng, đến nay xã Đăk Tờ Kan mới đạt khoảng gần 30%. Đơn cử như về hạ tầng giao thông, những năm qua, chính quyền xã chủ yếu ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhưng đến hết năm 2016, tiêu chí số 2 này vẫn chưa đạt. Tỷ lệ đường thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn mới tăng 20% so với năm 2014; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa cũng mới tăng 33% so với năm 2014...
|
Một cái khó khác nữa là thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, cho đến nay, dù rất nỗ lực nhưng tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn chỉ đạt 50%.
Đặc biệt, tiêu chí thực hiện cũng rất khó với Đăk Tờ Kan là tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, xã Đăk Tờ Kan có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, chiếm gần 72% (theo tiêu chí mới) và thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 13,5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chính quyền xã, đây là tiêu chí thực hiện mang tính lâu dài và trong quá trình thực hiện chỉ cần có thời gian cộng với sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia thì trong vài năm tới có thể đạt được, chứ không quá khó như tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Thuận Hóa, để thực hiện những tiêu chí khó nói trên, chính quyền xã đã và đang chỉ đạo các hội, đoàn thể xuống tận thôn làng vận động người dân tích cực lao động, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những cây con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đặc biệt, xã đang vận động người dân nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích nhằm nâng cao hiệu quả lao động. Cùng với đó, chính quyền xã sẽ tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho nhân dân về cây con giống cũng như hướng dẫn về kỹ thuật để nhân dân phát triển sản xuất; tăng cường tuyên truyền các mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, đặc biệt là các mô hình phát triển sản xuất hàng hóa có liên doanh liên kết...
Song song với đó, xã cũng đang tiếp tục huy động kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương (huyện, tỉnh), vốn lồng ghép từ các dự án, chương trình có mục tiêu và huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, vốn tín dụng...để tập trung cho phát triển kinh tế hộ gia đình… Đặc biệt, xã sẽ triển khai tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển các loại hình hợp tác xã, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương...
“Hiện chính quyền xã đang cùng phối hợp với Công ty CP Đường Kon Tum tích cực vận động nhân dân thực hiện luân canh trồng mía trên những chân ruộng, khoảng đồi kém hiệu quả sang trồng mía để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, từ đó nâng cao thu nhập, nhanh chóng giảm nghèo. Còn về tiêu chí cơ sở hạ tầng, để đạt được tiêu chí này cần sự hỗ trợ đầu tư nguồn lực về tài chính từ cấp trên...” – ông Hóa cho biết thêm.
Phúc Nguyên