Khó khăn trong thực hiện Chương trình OCOP ở Sa Thầy

03/10/2021 13:05

Dù đã đạt được kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, nhưng theo đánh giá của huyện Sa Thầy, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần phải có những giải pháp mang tính đột phá mới đạt được mục tiêu đề ra.

Đến nay, huyện Sa Thầy đã có 34 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đăng ký tham gia Chương trình và đã có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2019, trong đó có 1 sản phẩm đạt 3 sao; năm 2020 có 9 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp huyện. Ngày 28/6/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 554/QĐ-UBND phê duyệt 199 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2021 (188 ý tưởng/sản phẩm mới và 11 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt hạng 3 sao, 4 sao đăng ký tham gia đánh giá, nâng hạng sản phẩm); trong đó huyện Sa Thầy có 28 sản phẩm với 15 chủ thể.

Bà Tạ Thị Diệu - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Nhằm giúp các cơ sở phát triển sản phẩm đặc trưng, gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, UBND huyện Sa Thầy đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức tập huấn cho các chủ thể OCOP về xây dựng phương án kinh doanh và phát triển sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thiết kế tem nhãn, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quảng bá sản phẩm trong các hội chợ xúc tiến thương mại của tỉnh và huyện. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ 6 sản phẩm được đánh giá đạt 3 sao cấp huyện để tham gia dự thi đánh giá cấp tỉnh.

Sản phẩm OCOP của HTX Đoàn Kết, huyện Sa Thầy. Ảnh: C.C

 

Tuy nhiên,  việc thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Sa Thầy vẫn còn gặp một số khó khăn cần có những giải pháp hữu hiệu hơn để việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn đạt mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đưa kinh tế- xã hội của địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Trước hết, thẳng thắn nhìn nhận có những khó khăn mang tính chất chủ quan trong quá trình triển khai chương trình OCOP trên địa bàn huyện Sa Thầy. Đó là quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một bộ phận cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ...

Về mặt khách quan, huyện Sa Thầy có 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn với trên 80% dân số sống ở nông thôn làm nghề nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó khăn cho việc đi lại và giao thương, vận chuyển hàng hóa nông sản của nhân dân; cơ sở kinh doanh, chế biến còn rất ít, nhỏ lẻ, người dân chủ yếu bán các sản phẩm thô.

Bên cạnh đó, người dân, tổ chức kinh tế phần lớn đều là nông dân, trình độ còn hạn chế. Do vậy, việc tiếp cận công nghệ và cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu; việc phát triển với số lượng lớn và đưa sản phẩm ra thị trường còn hạn chế; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại còn lúng túng, chưa bố trí kinh phí để xây dựng các điểm bán hàng để quảng bá, giới thiệu tiêu thụ các sản phẩm làm ra.

Trong thời gian tới, huyện Sa Thầy chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ thể thực hiện chương trình; xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương quan tâm phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; phát huy được tính sáng tạo của các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư trong thực hiện Chương trình; huy động có hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức kinh tế để thực hiện Chương trình; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Cao Cường

Chuyên mục khác