Khó khăn trong giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

21/09/2023 13:02

Từ đầu năm đến nay, với nguồn vốn được giao, các đơn vị trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã chủ động, tổ chức triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình và tập trung giải ngân các nguồn vốn một cách kịp thời, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp một số khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ.

Là huyện nghèo, năm 2023, Tu Mơ Rông được giao vốn thực 3 chương trình mục tiêu quốc gia  với tổng vốn 293 tỷ 576 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư 204 tỷ 209 triệu đồng và vốn sự nghiệp là 89 tỷ 366 triệu đồng.

Ngay sau khi được giao vốn, huyện Tu Mơ Rông đã tiến hành phân bổ cho các đơn vị và chỉ đạo tập trung triển khai cũng như chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Với sự nỗ lực của các đơn vị, đến nay (6/9/2023), tổng kế hoạch vốn đã thực hiện giải ngân được hơn 91 tỷ đồng, đạt 31,05% trên tổng kế hoạch vốn giao; trong đó, giải ngân vốn đầu tư được 86 tỷ đồng đồng, đạt 42,02% và vốn sự nghiệp giải ngân được hơn 5,1 tỷ đồng, đạt 5,76% tổng kế hoạch vốn giao.

Đổi thay thôn, làng vùng sâu Tu Mơ Rông. Ảnh: PN 

 

Mặc dù đã có sự nỗ lực nhưng tiến độ giải ngân các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn chưa cao bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch Tu Mơ Rông, trong quá trình triển khai do vướng mắc một số quy định về định mức và hướng dẫn ban hành chậm dẫn đến ảnh hưởng tới quá trình triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn như: Quy định định mức đất ở, đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình chưa có đất ở; không có hoặc thiếu đất sản xuất (ngày 7/9/2023UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 48/2023/QĐ-UBND).

Đơn cử như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đối với dự án 3 về đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thì hiện nay, cơ quan chủ trì được UBND tỉnh giao nhiệm vụ hướng dẫn vấn đề hình thành, vận hành trung tâm giống, chưa có hướng dẫn theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nên huyện chưa có cơ sở để thực hiện bước tiếp theo. Mặt khác giữa các quy định về định mức chi hỗ trợ cho dự án và quản lý tài sản công đối với dự án dược liệu quý còn bất cập giữa các quy định của các Nghị định của Chính phủ và  Bộ Y tế khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý tài sản sau đầu tư từ ngân sách nhà nước (tài sản công) hỗ trợ cho doanh nghiệp của dự án trung tâm giống cũng chưa có văn bản nào đề cập đến.

Cũng theo UBND huyện Tu Mơ Rông, vấn đề quy định ngân sách huyện bố trí vốn đối ứng tối thiểu 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các dự án, tiểu dự án cũng là điều rất khó khăn trong cho huyện trong việc cân đối của ngân sách địa phương.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn trong thực thiện CTMTQG, giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: PN

 

Ngoài ra, theo lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông, một vấn đề bất cập nữa là hiện nay trên địa bàn huyện diện tích đất chủ yếu là đất lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu quản lý của ngành lâm nghiệp và ngành đất đai chưa đồng bộ dẫn đến việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện một số chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên đất lâm nghiệp gặp khó khăn. Hiện nay, số liệu kiểm kê rừng chưa phù hợp với số liệu thống kê đất đai hàng năm. Mặt khác, các danh mục đầu tư nằm trên đất quy hoạch 3 loại rừng nên gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tốn nhiều thời gian trong việc lập thủ tục chuyển đổi, từ đó dẫn đến việc triển khai thực hiện và giải ngân gặp khó khăn, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung. Do đó, nếu không triển khai điều chỉnh quy hoạch sẽ không giải ngân được. Vấn đề này, huyện Tu Mơ Rông đã trình UBND tỉnh rà soát trình HĐND tỉnh điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, điều chỉnh đất quy hoạch 3 loại rừng để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Đối với nội dung Cải thiện dinh dưỡng, thuộc Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi nội dung trên được xác định là của các phòng trực thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế các huyện; nguồn lực thực hiện được xác định, kể cả nguồn kinh phí được giao cho các huyện. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Luật ngân sách, nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm; không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác.

Còn đối với nội dung Hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thì theo văn bản 516/TCGDNN-KHTC, ngày 31/7/2023 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) hướng dẫn về việc giải quyết các vướng mắc trong thực hiện các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 có nêu Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và không được hỗ trợ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản một số công trình, mua sắm máy móc trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025. Từ thực tế trên, huyện Tu Mơ Rông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành có liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huyện Tu Mơ Rông cũng đã có văn bản đề nghị, kiến nghị lên tỉnh kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương sớm có tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng như để giải ngân vốn đầu tư, góp phần mang lại hiệu quả đầu, thúc đẩy kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.         

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác