26/05/2017 08:16
Vào rừng cộng đồng thôn Đăk Wâk, Đăk Po, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) đang quản lý, chúng tôi thấy rừng đang hồi sinh.
Thấy chúng tôi khen rừng đang phục hồi, A Tùng-Trưởng thôn, Phó ban Quản lý bảo vệ rừng thôn Đăk Wâk phấn khởi nói: Khu rừng này trước đây do địa phương quản lý, người dân thường xâm hại rừng. Kể từ năm 2014, khi Nhà nước giao rừng cho cộng đồng cùng với việc tuyên truyền thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Để quản lý hiệu quả, cộng đồng thôn Đăk Wâk chia làm 4 tổ bảo vệ rừng. Hàng tuần, các tổ thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Nếu phát hiện ai xâm phạm, dân sẽ báo kiểm lâm hoặc cộng đồng xử lý. Vì vậy, không có ai dám xâm hại rừng do cộng đồng quản lý.
|
A Tùng còn cho biết thêm, ngoài việc bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng thôn còn thực hiện Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức. Dự án hỗ trợ cho cộng đồng thành lập Quỹ phát triển thôn và Nhóm tín dụng tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình.
Ở rừng gần thôn Đăk Trấp, Pêng Siêl (xã Đăk Pét) trước đây cũng từng là điểm nóng về khai thác, phá rừng trái phép. Kể từ khi địa phương giao 300ha rừng cho thôn Đăk Trấp, Pêng Siêl quản lý gắn với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng không để xảy ra mất rừng.
Trao đổi về công tác bảo vệ rừng, A Nhơn - Thôn trưởng thôn Đăk Trấp bộc bạch: Việc giao đất giao rừng gắn với việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ môi trường rừng, xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Hàng tuần, cộng đồng thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Nếu phát hiện người vi phạm, cộng đồng sẽ xử phạt từ 500-700 nghìn đồng/lần vi phạm (nếu tái phạm). Người vi phạm còn bị đưa ra kiểm điểm trước cộng đồng, vì vậy, người dân không ai dám xâm hại rừng.
Nhìn lại công tác quản lý bảo vệ rừng, A Thẳng - Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong đánh giá cao chủ trương của Nhà nước trong việc giao rừng cho cộng đồng. Ông nhớ, năm 2013 khi chưa giao rừng cho cộng đồng, Tòa án nhân dân huyện Đăk Glei đã từng đưa ra xét xử 4 đối tượng lấn chiếm đất rừng. Từng là điểm nóng, nhưng kể từ khi địa phương giao 400ha rừng cho cộng đồng thôn Đăk Wâk, Đăk Po quản lý gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân không phát rừng trái phép. Tài nguyên rừng đang từng bước được hồi sinh.
Đồng quan điểm này, A Tiểng - Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pét cũng khẳng định: Rừng giao cho cộng đồng bảo vệ hiệu quả rất cao. Nguyên nhân do cộng đồng được hưởng lợi từ rừng, nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý bảo vệ rừng.
Gắn bó trực tiếp với người dân và cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, ông Trương Công Tuyến - kiểm lâm địa bàn xã Đăk Kroong cũng khẳng định, việc giao rừng về cho cộng đồng quản lý bảo vệ, chính quyền địa phương không những bớt đi gánh nặng mà rừng được quản lý bảo vệ tốt hơn.
Ông Lê Tiến Trung - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glei ghi nhận những kết quả tốt đẹp trên nhiều phương diện trong việc huyện giao 2.800ha rừng cho 18 thôn, làng ở 6 xã (Đăk Man, Đăk Choong, Xốp, Đăk Long, Đăk Kroong và Đăk Pét) quản lý, bảo vệ.
“Rừng được giao về cho cộng đồng quản lý, bảo vệ ngày càng sinh trưởng tốt và không bị xâm hại. Việc làm này, còn có ý nghĩa nhân văn góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống gần rừng” - ông Trung chia sẻ.
Văn Nhiên