29/10/2021 13:03
Do đi chung con hẻm, nhiều năm nay tôi luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp mấy gia đình ở xóm trên. Hầu hết trong số đó là nông dân. Có người làm lúa nước ở Đăk Cấm, Đăk Blà; có người trồng rau ngay trong vườn nhà. Một số người trồng cà phê ở tận Ia Chim, Đăk Năng.
Họ rất thân thiện với nụ cười rạng rỡ tự nhiên khi gặp bất cứ ai. Vào mỗi buổi chiều muộn, khi tôi đi bộ lòng vòng qua những ngôi nhà cấp 4, họ đều cười rất vui vẻ khi tôi vẫy tay chào.
Thỉnh thoảng họ đem cho tôi ít rau, mấy trái bí hoặc dăm củ khoai lang trồng trong vườn nhà. Đổi lại, tôi tặng vở, bút cho con em họ.
Chiều thứ Bảy, ngày 16/10, tôi nhận được lời mời “dự bữa cơm thân mật”của họ, gọi là liên hoan muộn mừng ngày thành lập tổ chức của nông dân- theo cách nói của ông Sáu Điền, người lớn tuổi nhất. Vì dịch bệnh nên bữa cơm cũng chỉ có 7-8 người ngồi “lai rai”.
|
“May là tỉnh ta vẫn chưa có ca Covid-19 cộng đồng, sản xuất được duy trì, chợ búa hoạt động bình thường, các mặt hàng nông sản thông thường vẫn tiêu thụ tốt, nên nông dân “sống được”- một người nói, mọi người vui vẻ đồng tình.
Rồi chúng tôi chia sẻ với nhau rất nhiều, từ chuyện học hành của con em, chuyện thu hoạch nông sản đến tình hình thiên tai, nỗi lo dịch bệnh… Nhưng khiến tôi ấn tượng nhất có lẽ là chuyện ông Sáu Điền khoe đã lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn rau gần 1ha của gia đình.
Trước đó, ông Sáu là người luôn “nói không” với máy móc, công nghệ. Lý do là “tại sao lại phải bỏ ra một núi tiền cho cái gọi là công nghệ, trong khi vẫn có thể tự mình tưới được. Khi kéo vòi tưới nước còn có thể nhổ cỏ, bắt sâu”.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Sáu cười: Đâu cứ là nông dân thì phải cuốc cày, phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời?
Trong những chuyến công tác, tôi đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng “công nghệ hóa sản xuất nông nghiệp” ở khu vực nông thôn. Ngày càng có nhiều, rất nhiều nông dân có thu nhập cao mà không hề phải “chân lấm tay bùn” trên ruộng đất của mình.
Nói đâu xa, như ông Sáu Điền, con cái đi làm vẫn có thể yên tâm để ông già ở nhà chăm sóc gần 1ha rau. Bởi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể vận hành tưới nước thường, tưới nước có pha phân bón, đảm bảo đúng thời gian, đủ độ ẩm, dinh dưỡng cho rau củ.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, nông thôn là địa bàn sinh sống của 65,6% dân số cả nước. Ở tỉnh ta, ước dân số khu vực nông thôn chiếm trên 66% (tương ứng khoảng 367.660 người). Ước tính đến cuối quý II/2021, lực lượng lao động khu vực nông thôn là 226.315 người, chiếm 69,64% tổng số lao động toàn tỉnh.
|
Cách đây 13 năm, ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW- nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện tới cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó nhấn mạnh, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
Trong những năm qua, nâng cao đời sống nông dân luôn được quan tâm hơn bao giờ hết. Hàng loạt chương trình mục tiêu quốc gia, dự án lớn được triển khai với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.
Mặc dù là một tỉnh nghèo, nhưng hàng năm, tỉnh ta cũng bố trí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn nông dân cách thoát nghèo, làm giàu; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến.
Đặc biệt, những năm gần đây, với sự thúc đẩy mạnh mẽ của tỉnh, việc ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp trở nên sôi động. Hàng loạt chính sách được triển khai hiệu quả, từ đó khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để hỗ trợ nông dân được rà soát, hoàn thiện. Nông dân được tạo điều kiện để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Mối liên kết “4 nhà” từng bước được siết chặt.
Chính nông dân cũng chủ động, hồ hởi tiếp nhận đối với các chính sách mà Đảng, Nhà nước đang triển khai. Vì họ hiểu rất rõ rằng, những chính sách ấy đang làm thay đổi cuộc sống của họ.
Từ câu chuyện của một “lão nông tri điền” như ông Sáu cho thấy, nông dân Việt Nam ngày nay đã khác. Không chỉ sản xuất bằng kinh nghiệm, bằng sức lực, mà còn nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế mới, trong tính toán, thay đổi để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Điều đó cũng khẳng định một thực tế: Nông dân ngày nay đã đủ tự tin và bản lĩnh để thể hiện vai trò chủ thể của mình.
Khu vực nông thôn luôn là “địa chỉ” cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đời sống con người và phục vụ các ngành kinh tế quốc dân; có vai trò quan trọng đối với an ninh, quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái... Đặc biệt, nông dân không chỉ giữ vai trò trung tâm và quyết định đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Hồng Lam