Khi người dân tham gia chuyển đổi số

25/12/2022 13:10

Trong sản xuất nông nghiệp, việc phát huy thế mạnh của người dân, nhất là đoàn viên, thanh niên nhanh nhạy với ứng dụng công nghệ cao trên các nền tảng số sẽ góp phần quan trọng đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Một lần vào thăm vườn chuyên canh rau quả ở thôn Kon Mơ Nây Sơ Lam 1, phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum), tôi thật sự bất ngờ trước việc anh Nguyễn Văn Tú - chủ nhân khu vườn cây ứng dụng công nghệ cao từ các nền tảng số để sản xuất. Vườn rau cải xanh non, quả cà chua giống Hàn Quốc màu vàng, nhỏ dài trông bắt mắt khiến tôi nhìn không biết chán và mong nếm thử quả cà chua lạ treo lủng lẳng đầy cành.

Hiểu ý, chị Ngô Thị Hồng An (vợ anh Tú) mỉm cười: “ Mời anh cứ hái nếm thử, ăn bao nhiêu tùy thích”. Hái vài quả, tôi định bụng đem rửa sạch rồi dùng thử. Chị An khuyên: Cà chua sản xuất theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc hóa học, nước tưới (được kiểm định là bảo đảm an toàn) bằng hệ thống nhỏ giọt và được điều khiển từ nền tảng số của công nghệ Israel.

Nhìn kỹ từng quả cà chua, tôi thấy màu cà chua sáng bóng, không một hạt bụi, còn sạch hơn quả cà chua sản xuất theo phương pháp truyền thống sau khi rửa. Vừa nói, chị An vừa hái cà chua trực tiếp đưa lên miệng ăn ngon lành để tôi tự tin nếm thử. Ăn cà chua không cần rửa của nhà chị, tôi cảm thấy khá ngon miệng. 

Mô hình cải xoăn sản xuất trong nhà kính của anh Tú. Ảnh: V.N

 

Lại nói, mặc dù tại thời điểm đó, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng cà chua do gia đình chị An sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ đến đó, không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Không trực tiếp đưa cà chua đi bán, thông qua nền tảng zalo, facebook, chị An giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng là người quen và khách hàng. Người quen và khách hàng của chị lại tiếp tục giới thiệu, lan tỏa sản phẩm trên nền tảng zalo, facebook. Cứ thế, sản phẩm cà chua gia đình chị An sản xuất ra đều tiêu thụ hết, không sợ ế hàng. 

Ở xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tôi gặp một đoàn viên ứng dụng công nghệ cao dựa trên nền tảng số để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là anh Tô Ninh Bình. Vườn cây phê, cây ăn quả (bơ, sầu riêng, sambuche, cam…) được anh Bình sản xuất theo hướng hữu cơ mà trong một bài viết tôi từng có lần đề cập.

Vườn cây cà phê, cây ăn quả của anh Bình sản xuất theo hướng hữu cơ khá xanh tốt. Đất đai trong vườn tơi xốp, môi trường không bị ô nhiễm, không khí trong lành. Thông qua ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng số,  việc chăm sóc cây trồng (tưới nước và bón phân) được anh Bình kết nối thiết bị với điện thoại thông minh. Qua điện thoại, anh Bình có thể điều khiển việc tưới nước, bón phân cho cây trồng ở mọi lúc, mọi nơi (thông qua ứng dụng bật, tắt trên điện thoại). Đồng thời, anh Bình tư vấn và chia sẻ với nông dân cùng sản xuất hữu cơ qua zalo, facebook để lan tỏa mô hình.

Để góp phần thực hiện chuyển đổi số, mới đây, Tỉnh đoàn Kon Tum vừa phối hợp với Công ty AgriDrone Việt Nam triển khai sàn giao dịch nông sản AgriVerse. Đây là sàn giao dịch nông sản thương mại điện tử tương tác, sử dụng công nghệ thực tế ảo, liên kết rộng rãi. Tham gia sàn giao dịch này, đoàn viên, thanh niên có thể trưng bày sản phẩm nông nghiệp, tham gia hội chợ triển lãm trực tuyến, tiếp cận với khách hàng tiềm năng trong nước và quốc tế để tiêu thụ sản phẩm.

Trong việc thực hiện chuyển đổi số, nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm.

Là một tỉnh nông nghiệp, với việc phát huy thế mạnh của người dân, nhất là đoàn viên, thanh niên tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao trên các nền tảng số để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thì ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phát triển mạnh, góp phần quan trọng để tực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.  

Văn Nhiên

Chuyên mục khác