Khi các kiểm lâm địa bàn là nữ

30/09/2018 07:32

​Mặc dù không có thế mạnh khi đối đầu với lâm tặc hung hãn, nhưng nữ kiểm lâm địa bàn thường làm tốt công tác tham mưu tuyên truyền, giỏi nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét lâm tặc ở địa bàn. Vì vậy, các nữ kiểm lâm đã góp phần không nhỏ đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng. Những nỗ lực của các nữ kiểm lâm viên địa bàn ở huyện Kon Rẫy đã chứng minh điều ấy…

Trong hệ thống công chức kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn thì nam kiểm lâm thường chiếm ưu thế; bởi tính chất công việc gian khó và vừa nguy hiểm khi phải đối mặt với lâm tặc bất kỳ lúc nào. Đó là những nhìn nhận mang “tính mặc định” trước đây, hiện nay việc bố trí kiểm lâm viên địa bàn đã có những thay đổi và điều đó đã mang lại hiệu quả nhất định.

Trong những năm gần đây, tuỳ theo tính chất công việc ở từng địa phương, hạt kiểm lâm huyện mạnh dạn bố trí nữ kiểm lâm địa bàn. Và, điều này đem lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Kon Rẫy. Mặc dù không có thế mạnh như nam giới khi trực tiếp đương đầu với lâm tặc, nhưng các nữ kiểm lâm địa bàn ở huyện Kon Rẫy có những ưu thế riêng trong công tác vận động, tuyên truyền và biết phát huy tốt vai trò của mình trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Các nữ kiểm lâm bám địa bàn ở thôn 1, thị trấn Đăk Rve. Ảnh: V.N

 

Trao đổi quanh chuyện hoạt động kiểm lâm địa bàn là nữ, bà Đinh Thị Thu Sương - Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rơ Ve (huyện Kon Rẫy) thừa nhận: Thị trấn Đăk Rve là địa bàn rộng, giáp ranh với các địa phương còn nhiều rừng như xã Tân Lập, Đăk Pne (Kon Rẫy) và Măng Đen (Kon Plông). Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nữ không mạnh khi “tham chiến” đêm hôm như nam giới, nhưng nữ kiểm lâm địa bàn ở thị trấn Đăk Rve là chị Rô Lê Vi Na tham mưu tốt việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; giỏi nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch tuần tra truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng.

Thực tế cho thấy, từ công tác tham mưu của kiểm lâm, thị trấn Đăk Rve thành lập 2 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực rừng thường có nguy cơ bị xâm hại như khu vực đèo Măng Đen và Tân Lập. Cùng với việc phối hợp với các ngành và chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra truy quét, UBND thị trấn Đăk Rve giải quyết tốt các “điểm nóng” phá rừng và khai thác lâm sản trái phép.  

Chị Y Loan - Thôn trưởng thôn 1 (thị trấn Đăk Rve) cho biết, để bảo vệ tốt tài nguyên rừng trên địa bàn, hàng năm kiểm lâm địa bàn thường phối hợp cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy và thôn tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không phá rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép và nhiệt tình hướng dẫn người dân đốt rẫy theo quy định, không để lửa cháy lan vào rừng.

“Chị Rô Lê Vi Na sâu sát cơ sở và gắn bó với người dân ở địa phương. Vào mùa khô, chị thường phối hợp với thôn tuyên truyền, nhẹ nhàng nhắc nhở bà con cùng nhau bảo vệ rừng đầu nguồn, không xâm lấn rừng làm nương rẫy trái phép. Qua nhận thức và cùng với việc Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy giao khoán rừng, người dân không còn phá rừng như trước”- Chị Y Thái - Thôn trưởng thôn 9 (thị trấn Đăk Rve) nhận xét.

Từng chia sẻ với nhau trong công tác bảo vệ rừng, anh Nguyễn Thanh Phong (nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Lâm trường Măng Đen) đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của chị Rô Lê Vi Na trong công việc. Anh cho biết, bên cạnh bám địa bàn, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ rừng, khi có nghi vấn xảy ra, chị thường phối hợp với Trạm kiểm tra để kịp thời  ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng phá rừng. 

Chị Rô Lê Vi Na trao đổi công việc với các nhân viên bảo vệ rừng Lâm trường Măng Đen tại chốt bảo vệ rừng thị trấn Đăk Rve. Ảnh: V.N

 

Được nhiều người ghi nhận, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, chị Rô Lê Vi Na rất khiêm tốn: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về rừng, tôi chỉ tham mưu cho UBND thị trấn Đăk Rve triển khai các biện pháp bảo vệ rừng; đồng thời tranh thủ các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri và trực tiếp đến một số khu vực nương rẫy tuyên truyền, vận động người dân canh tác nương rẫy cũ, không xâm hại rừng.

Ở địa bàn xã Tân Lập, chị Phạm Thị Nguyệt Trang là kiểm lâm địa bàn được nhiều người ghi nhận. Chị Sái Thị Biên - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cũng dành những lời “có cánh” khi nói về kiểm lâm viên địa bàn Phạm Thị Nguyệt Trang: Chị Trang là người nhiệt tình với công việc được giao và tham mưu tốt cho xã Tân Lập trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Ngay cả việc tuần tra, truy quét lâm tặc tưởng chỉ có nam giới, nhưng chị Trang cũng không nề hà.

Trong chuyến cùng tham gia tuần tra vào khu rừng do nhóm hộ dân thôn 6 (xã Tân Lập) nhận khoán của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy mới đây,  chúng tôi nhận thấy, mặc dù phải lội qua các con suối nước dâng lên cao, chảy xiết đang lúc trời mưa, nhưng chị Trang vẫn hăng hái, không quản ngại khó khăn, luôn dẫn đầu đi băng băng. Và, trên thực tế, khi kiểm tra khu rừng già tự nhiên này, chúng tôi thấy người dân nhận khoán bảo vệ tốt, rừng không có dấu hiệu bị xâm hại.

Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy đánh giá cao nỗ lực của kiểm lâm địa bàn xã Tân Lập trong việc phối hợp đơn vị bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, kiểm lâm địa bàn xã phối hợp với Trạm quản lý bảo vệ rừng Tân Lập của Công ty tổ chức 16 cuộc tuyên truyền và 22 đợt tuần tra bảo vệ rừng. Vì vậy, mặc dù diện tích rừng của Công ty trên địa bàn xã rộng (2.415,79ha), nhưng rừng được kiểm soát tốt, không để xảy ra mất rừng.   

Ông Nguyễn Ngọc Phú - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy đánh giá cao những nỗ lực của các nữ kiểm lâm địa bàn trong công tác tham mưu cho chính quyền tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác bảo vệ rừng và tổ chức các đợt tuần tra truy quét bảo vệ rừng. Song, ông cũng thừa nhận thế yếu của nữ là không thể đương đầu với lâm tặc trong lúc đêm hôm như nam giới.

“Để đương đầu với lâm tặc, Hạt Kiểm lâm huyện thường điều kiểm lâm nam từ nơi khác đến hỗ trợ khi cần thiết. Phát huy những điểm mạnh của công chức nữ - nam kiểm lâm bổ sung cho nhau, Hạt Kiểm lâm huyện thực tốt công tác quản lý bảo vệ rừng” - ông Phú quả quyết.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác