10/06/2022 06:15
Được anh Đặng Đình Hương- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Mar giới thiệu, chúng tôi đến thăm nhà ông Đỗ Văn Phương (52 tuổi, ở thôn 1, xã Đăk Mar). Gia đình ông rời quê từ tỉnh Hưng Yên vào đây lập nghiệp từ năm 1984. Trải qua 38 năm làm ăn vất vả, hiện tại gia đình ông đã có cuộc sống khá giả, sung túc. Ba người con của ông có nghề nghiệp ổn định.
Với khát vọng vươn lên, không cam chịu đói nghèo, hàng chục năm qua, vợ chồng ông Phương chăm chỉ làm ăn, luôn đổi mới tư duy, học hỏi những cách làm mới trong sản xuất, kinh doanh với mục tiêu tạo ra thật nhiều của cải cho gia đình và xã hội. Bằng sức lao động của các thành viên trong gia đình, cùng với thuê mướn nhân công khi vào vụ sản xuất, đến nay, gia đình ông Phương đã có trong tay 4ha cà phê, 2ha cao su, 300 cây bơ đã cho thu hoạch.
Chưa bằng lòng với những gì đã làm được, năm 2006, ông đầu tư cơ sở chế biến cà phê bột với thương hiệu No Ni. Ông liên kết với 5 hộ trồng cà phê tại địa phương để thu mua sản phẩm cà phê hạt, phục vụ cho chế biến biến cà phê thành phẩm. Cà phê No Ni của ông được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
Không những làm giàu cho riêng mình, ông Phương còn giúp nhiều hộ gia đình ở địa phương vươn lên thoát nghèo. Ông thường xuyên chỉ dẫn phương pháp làm ăn, hỗ trợ vốn và giống cây trồng cho các hộ khó khăn, giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định từ 180.000- 250.000 đồng/người/ngày (tùy công việc). Gia đình ông còn đóng góp tiền cho các quỹ xã hội từ thiện, hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống của gia đình ông hiện nay thuộc vào hàng khá giả ở địa phương, với mức thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ hết mọi chi phí đầu tư.
|
Ông Nguyễn Thiện Tú - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Hà cho hay: Với khát vọng làm giàu chính đáng, thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả của những ”lão nông chân lấm, tay bùn” ngày càng xuất hiện khá nhiều trên địa bàn huyện Đăk Hà. Điển hình như ông Nguyễn Hữu Tá (Tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà) với mô hình nuôi cá, gia súc, gia cầm, sau khi trừ chi phí đầu tư, thu lãi 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 15 lao động; ông A Hiếu (thôn Kon Gung, xã Đăk Mar) với mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp, thu lãi 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động; ông Hoàng Danh Chuyền (Tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà) với mô hình kinh tế VAC, thu lãi 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động, với mức thu nhập ổn định khoảng 200.000 đồng/người/ngày...
Tính đến năm 2020, huyện Đăk Hà có 2.019 hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả bình xét năm 2021, toàn huyện có 1.660 hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, các cấp Hội vận động, khuyến khích, hỗ trợ cho cán bộ, hội viên, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên thoát nghèo; năm 2021 giúp 537 ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống trị giá 25 triệu đồng, tạo điều kiện cho 35 hộ thoát nghèo.
Ông Hà Tiến - Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm và là ngành kinh tế chủ lực của huyện, những năm qua, lãnh đạo huyện Đăk Hà luôn luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh bằng các cơ chế, chính sách thông thoáng, cụ thể, thiết thực, đúng quy định của pháp luật. Việc đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực được UBND huyện chỉ đạo quyết liệt.
Theo ông Hà Tiến, từ khi thực hiện lĩnh vực đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện đã có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ và có sự chủ động của các ngành. Nhờ đó, diện tích cây chủ lực và sản phẩm chủ lực của huyện như cà phê, sắn, lúa, cá nước ngọt được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, từng bước đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, huyện Đăk Hà đã sản xuất những sản phẩm trái cây có chất lượng như cam sành, sầu riêng, vải, bưởi da xanh, mít Thái, ổi Đài Loan, cam Vinh. Các mô hình nuôi trồng thủy sản được mở rộng, khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước hiện có trên các sông, đập thủy lợi, ao, hồ.
Quang Định