Khát vọng đưa nông sản vươn xa

14/02/2021 06:28

Vẫn là những sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương, nhưng từ khi các doanh nghiệp, người dân bắt tay sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP thì giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh được nâng cao và thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng. Với “tấm vé thông hành” là các sản phẩm OCOP được xếp hạng sao, những người sản xuất có điều kiện thực hiện khát vọng đưa nông sản Kon Tum vượt khỏi “ao làng”, vươn ra thị trường lớn.

Lấy thế mạnh để xây dựng OCOP

Tết này, trên kệ hàng của các siêu thị, đại lý có thêm nhiều mặt hàng là những sản phẩm OCOP của tỉnh như cà phê pha phin, trà sâm Ngọc Linh, trà khổ qua... Các sản phẩm này có chất lượng đạt tiêu chuẩn, mẫu mã bao bì bắt mắt, phong phú về chủng loại đang dần khẳng định vị thế trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.

2 năm qua, chương trình OCOP được triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh, qua đó, góp phần khơi dậy, đánh thức tiềm năng của hàng trăm đặc sản nông thôn. Các doanh nghiệp tổ chức liên kết với nông dân để xây dựng những chuỗi sản phẩm hàng hóa chất lượng (từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ) đáp ứng được nhu cầu của thị trường, chứ không còn kiểu sản xuất manh mún, không có kế hoạch và thụ động trong tiêu thụ hàng hóa.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang giới thiệu với Đoàn Công tác của Bộ NN&PTNT về các sản phẩm OCOP của tỉnh 

 

Vậy là, từ những loại nông sản đặc trưng, đặc hữu của mỗi làng, xã, các chủ thể đã phát huy thế mạnh sẵn có để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 34 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3-4 sao, 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao và 53 sản phẩm vừa được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá đủ điểm đạt từ 3-4 sao.

Đăk Hà được mệnh danh là một trong 8 vùng trồng cà phê có sản phẩm ngon nhất Việt Nam. Khai thác lợi thế này, những năm qua, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức sản xuất một cách bài bản, xây dựng vùng nguyên liệu theo quy trình an toàn về chất lượng, hình thành các chuỗi liên kết giá trị hàng hóa và thiết kế bao bì, tem truy xuất nguồn gốc để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Chị Phạm Thị Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng chia sẻ: Để cà phê Đăk Hà trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng riêng biệt, mang thương hiệu của huyện là một câu chuyện dài. Mỗi doanh nghiệp có cách làm riêng, Công ty tôi chú trọng 2 khâu, đó là liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ và đầu tư công nghệ sàng lọc, phơi sấy nhằm tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao. Với việc đầu tư có trọng tâm, năm 2020, sản phẩm Cà phê rang xay DAKMARK của Công ty đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh và có tiềm năng 5 sao để dự thi cấp quốc gia.

Khác với Đăk Hà, dược liệu vốn được coi là thế mạnh của huyện Tu Mơ Rông. Những năm qua, huyện Tu Mơ Rông tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng vùng sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân phát triển các sản phẩm từ dược liệu theo Bộ tiêu chí chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao cấp tỉnh, 7 sản phẩm đang chờ kết quả công nhận.

Không dừng lại ở đó, nhiều cơ sở sản xuất đang tiếp tục đầu tư để nâng tầm sản phẩm OCOP. Điển hình như Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông có 2 sản phẩm là collagen sâm Ngọc Linh và trà sâm Ngọc Linh hòa tan được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện nay, doanh nghiệp này tiếp tục hoàn thiện để nâng hạng sao tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Khát vọng đưa nông sản ra khỏi “ao làng”

Các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đều xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo dựng thương hiệu của sản phẩm và ghi dấu ấn tại các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Khi được xếp hạng OCOP, nông sản có cơ hội vượt khỏi “ao làng”, vươn ra thị trường lớn.

Bà Phạm Thị Tuyết chia sẻ: Trước đây, Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng chỉ tập trung thu mua, rồi sơ chế, xuất khẩu cà phê nhân xô chứ chưa có các sản phẩm cà phê thành phẩm. Từ năm 2014, Công ty mới bắt tay vào chế biến các dòng cà phê bột, cà phê hòa tan. Vì “sinh sau đẻ muộn” nên các sản phẩm cà phê mang thương hiệu DAKMARK chịu sức ép cạnh tranh rất khốc liệt. Để đứng vững trên thị trường, chúng tôi phải không ngừng khẳng định chất lượng sản phẩm, từng bước chuẩn hóa về mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói… Khi khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, Công ty bắt đầu thăm dò, tìm kiếm thị trường xuất khẩu với mục tiêu đưa đặc sản cà phê Đăk Hà vươn ra “biển lớn”. Đến nay, tham vọng đó thành hiện thực, khi các sản phẩm cà phê chế biến, nhất là cà phẩm Cà phê rang xay DAKMARK đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.

Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng đầu tư giàn phơi hiện đại trong nhà kính để đảm bảo chất lượng cà phê 

 

Cũng với khát khao đưa hàng hóa nông sản Kon Tum vươn xa, thời gian qua Công ty Cổ phần KORA Group (thành phố Kon Tum) vừa tăng cường liên kết với người dân xã Đăk Pne xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn an toàn, đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm nước tinh chế, chiết xuất từ sâm dây có chất lượng.

Giám đốc Trịnh Thị Nhung chia sẻ: 3 năm qua, Công ty vừa sản xuất, vừa chuẩn hóa sản phẩm, vừa tìm kiếm thị trường. Hiện tại, các sản phẩm nước sâm KORA đã có mặt tại 21 thị trường trong nước. Nhưng với mong muốn được các cơ quan đánh giá, thẩm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chí chung để từng bước hoàn thiện sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ; vừa qua Công ty tham gia thi phân hạng OCOP cấp tỉnh. Năm 2021, doanh nghiệp dự định đưa hàng hóa phủ kín 63 tỉnh, thành trong cả nước và từ năm 2022 sẽ hướng đến xuất khẩu sang một số thị trường Châu Á.

Để tạo cầu nối hiệu quả giúp các sản phẩm nông sản của tỉnh phát triển bền vững, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ông Võ Văn Mười - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại cho biết: Thời gian qua, Trung tâm tích cực đưa sản phẩm đi giới thiệu, quảng bá tại hội chợ trong nước và quốc tế; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối giao thương… Qua đó, nhiều sản phẩm của tỉnh Kon Tum  được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại lớn trong cả nước như BigC, Co.op Mart, Lotte... Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã vươn ra được thị trường nước ngoài như Bỉ, Pháp, Đức, Mỹ…

Một thị trường rộng lớn cho những sản phẩm thế mạnh, đặc hữu của địa phương luôn là điều kỳ vọng của người sản xuất. Và, chương trình OCOP đã “mở lối” để các “đặc sản” của tỉnh vươn xa. OCOP còn là động lực khơi dậy ngọn lửa khởi nghiệp của những người trẻ, nông dân từ chính những đặc sản quê hương. /.

Bài và ảnh: THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác