27/07/2017 05:59
Doanh nghiệp tăng chi phí, công nhân giảm thu nhập
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý cát xây dựng, nhất là tình trạng khai thác trái phép, không phép và sự cương quyết xử lý nghiêm các đơn vị được cấp phép không thực hiện khai thác đúng trong giấy phép, ngang nhiên đắp đập, ngăn sông để khai thác cát. Đây là việc làm cần thiết của cơ quan chức năng nhằm đưa hoạt động khai thác cát đảm bảo đúng quy định, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, tránh gây thất thu ngân sách cho tỉnh.
Tuy nhiên, một số đơn vị khai thác cát lợi dụng việc siết chặt trên để “thừa nước đục thả câu” như găm hàng, đẩy giá lên cao. Các trường hợp khai thác cát lậu cũng nhân cơ hội này đẩy giá bán cát lên gấp đôi so với trước.
Một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bê tông ở thành phố Kon Tum cho biết, hiện tại tình trạng cát rất khan hiếm là có và xảy ra khoảng một tháng nay. Đi mua các doanh nghiệp khai thác cát đàng hoàng không có, đành đi mua cát lậu để kịp thời cung cấp cho các đơn vị làm theo đơn hàng đã hợp đồng. Có điều giá cát xây mua lậu là 250.000 đồng/m3, không có hóa đơn; yêu cầu có hóa đơn thì chủ bán cát lậu chỉ xuất hóa đơn ghi giá 60.000 đồng/m3 nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp phải bỏ ra 30.000 đồng/m3 để mua hóa đơn đỏ, nên tính ra một khối cát phải mua 280.000 đồng.
|
Hỏi vì sao khan cát xây dựng, chủ doanh nghiệp này nói, có một số doanh nghiệp khai thác cát "ém hàng" bán xuống tỉnh Gia Lai vì giá bán cao hơn tại Kon Tum . "Có khi xe ở tỉnh Gia Lai lên ầm ầm để mua cát chở về, nhưng chúng tôi lại không mua được, đành phải đi năn nỉ "cát tặc" để mua, mỗi xe 4-5m3 cát mà vài ngày mới có một chuyến sau 5h chiều".
Lãnh đạo doanh nghiệp này nói, trước đây mỗi tháng đơn vị nhập 600m3 để làm trụ bê tông, còn nếu làm cống thì tiêu thụ khoảng 1.500m3/tháng; nhưng khoảng một tháng trở lại đây chỉ kiếm được 300m3 cát thôi.
“Đầu năm đơn vị chúng tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị khai thác cát trên địa bàn thành phố Kon Tum cung cấp cát để sản xuất với giá chỉ 80.000/m3, nhưng vừa qua, họ đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấp nhận chịu đền bù để ém hàng, đẩy giá lên bán cho đơn hàng khác ở tỉnh Gia Lai lên mua bởi giá bán tăng gấp 2-3 lần so với giá đã hợp đồng của đơn vị”- lãnh đạo doanh nghiệp than thở.
Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, do cát khan hiếm nên trong quý vừa qua, doanh thu của doanh nghiệp đang đạt từ 8 tỷ đồng nay giảm còn 50% số đó. Công nhân cũng không có việc làm đều nên lương cũng giảm khoảng 40% so với trước kia. Trước thì doanh nghiệp được chọn đơn vị cung cấp cát, nay lại phải năn nỉ lại mà cũng không được.
Ông Huỳnh Thanh Tú - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh cho biết, những doanh nghiệp được khai thác cát đã cam kết với tỉnh là phải đảm bảo cung cấp cho nội tỉnh 80% cát, mục đích là để bình ổn giá trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu chở đi bán ngoài tỉnh nhiều thì trong tỉnh sẽ khan hiếm cát, mà như vậy thì chỉ được lợi cho "cát tặc".
Nhà dân đội vốn
Không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng hụt thu, mà không ít nhà dân đang và bắt đầu xây dựng cũng ảnh hưởng. Công trình bị kéo dài thời gian xây dựng, chi phí cho vật liệu tăng và điều đương nhiên với việc tăng giá cát thì nhà sẽ đội vốn lên so với dự kiến ban đầu.
Ngay như bản thân tôi (cũng đang xây dựng nhà) thấy khá khó khăn khi hỏi mua cát. Cũng có hôm hết cát đợi mấy ngày mới mua được. Không chỉ khó mua mà giá cát lại tăng gấp đôi so với trước kia. Với tôi, may mắn hơn là công trình nhà cũng đến giai đoạn cuối nên chỉ mất khoảng 10 xe cát phải mua giá cao gấp đôi so với trước. Thế nhưng chỉ ngần ấy thôi tôi cũng phải bù thêm hơn 10 triệu đồng tiền cát so với dự tính.
Không may mắn như tôi, anh bạn tôi tên Đ chỉ mới khởi công xây dựng căn nhà khoảng 300m2 ở đường Trường Chinh phàn nàn vì “xui” nên xây dựng đúng thời điểm giá vật liệu đều tăng, đặc biệt là cát tăng và khan hiếm.
Anh Đ cho biết: Thực sự mới đầu gia đình dự tính và chuẩn bị vốn khoảng 2 tỷ, nhưng với việc giá các loại vật liệu như cát, công tăng kiểu này thì chắc chắn vốn sẽ đội lên khoảng thêm ít nhất từ 10% đến 20% so với dự toán. Ngoài ra, với việc mua cát khó thế này thì chắc chắn sẽ phải kéo dài thời gian thi công. Thậm chí, có ngày thợ đến làm do không có cát nên đành về không thể làm được.
“Mới đầu chúng tôi dự kiến đến khoảng tháng 11 hoàn thành nhưng tình trạng khan hiếm cát để xây thế này không biết có xong được không?”- Anh Đ than thở.
Không chỉ do khan hiếm cát khiến việc xây dựng nhà phải đội thêm vốn, công trình bị kéo dài, mà thậm chí có nhà còn phải tạm dừng xây dựng vì thiếu cát, vì giá cát bị đẩy lên quá cao.
Chúng tôi nói chuyện với một chủ thầu chuyên nhận xây dựng công trình nhà ở tư nhân trên địa bàn thành phố Kon Tum được biết, đến nay, trong tổng số hơn chục ngôi nhà anh nhận thi công thì đã có ít nhất 2 nhà chủ nhà đề nghị tạm dừng. Mà theo anh một phần do thiếu cát xây dựng, một phần do giá cát quá cao nên họ tạm dừng thi công một thời gian xem giá có giảm hay không rồi tính tiếp.
|
Anh T (chủ thầu xây dựng) này cho biết: Hiện nay đang là mùa xây dựng nên cát xây dựng đã hiếm lại càng hiếm hơn. Chúng tôi nghe nói giá mua cát xây tại bãi đã lên tới 250.000 đồng/m3, còn cát tô là 300.000 đồng/m3. Với giá cát như vậy so với trước kia đã tăng gấp đôi, vì thế một số nhà tôi nhận do vốn có hạn nên họ bảo tạm dừng một thời gian chờ giá xuống mới xây dựng tiếp.
Có hay không việc một số đơn vị khai thác cát lợi dụng việc siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát để “ém hàng” đẩy giá lên cao cần có sự kiểm tra, trả lời của cơ quan chức năng. Nhưng, một điều chắc chắn mà doanh nhiệp và người dân đang phải gánh chịu là doanh nghiệp giảm lợi nhuận, hụt thu, công nhân giảm lương, còn nhà ở tư nhân đang xây dựng đội vốn là điều mà họ đang phải gánh chịu…
Văn Phương