Khai thác tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ gắn với phát triển KT-XH

15/06/2022 06:04

Những năm qua, nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh được triển khai xây dựng. Qua đó, góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Trong đó, 28 dự án đã hoàn thành có tổng công suất 329,4 MW; 11 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng với tổng công suất 186,1MW; 38 dự án đang lập dự án đầu tư xây dựng với tổng công suất 335,6 MW. Dự kiến trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh khởi công xây dựng 6 dự án với tổng công suất 67,4MW. Có 4 vị trí công trình với tổng công suất 19,5MW được UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương xem xét, thống nhất loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh (Đăk Ruồi 1, Đăk Man, Đăk Brot, Sông Tranh 1).

Việc cấp phép triển khai đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các văn bản quy định của pháp luật có liên quan. Quá trình triển khai thực hiện các dự án thủy điện vừa và nhỏ từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng như: Việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp quyết định chủ trương đầu tư; quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công; đánh giá tác động môi trường; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất và cho thuê đất... cơ bản đảm bảo theo các quy định pháp luật hiện hành.

Công trình thủy điện Đăk Robaye đang được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Kon Plông. Ảnh: TH

 

Sản lượng điện sản xuất của 28 công trình thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành và 2 công trình thủy điện lớn là Thượng Kon Tum và Plei Krông ước đạt khoảng 2,8 tỷ kWh/năm. Các dự án thủy điện đã góp phần đáng kể vào phát triển KT-XH, tác động tích cực và tạo tiền đề trong việc phát triển các ngành nghề liên quan; làm tăng nguồn thu ngân sách.

Ông Lê Văn Quang- Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, việc quy hoạch và triển khai xây dựng thủy điện vừa và nhỏ còn một số hạn chế như trong quá trình triển khai lập quy hoạch việc điều tra, khảo sát, đánh giá các điều kiện tự nhiên khu vực dự án chưa đầy đủ, độ chuẩn xác không cao. Điều đó dẫn đến một số dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch, có dự án phải loại bỏ khỏi quy hoạch do không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên hoặc chiếm diện tích lớn đất sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Trong quá trình triển khai xây dựng, một số công trình thủy điện bị chậm tiến độ đề ra, do khó khăn về vốn, đường giao thông đến công trình; chưa có nguồn đấu nối, vì tiến độ đầu tư hệ thống truyền tải điện chưa đồng bộ với việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện.

Ngoài ra, thời gian qua, trong một số đợt lũ lớn, các công trình thủy điện như Đăk Pô Cô, Đăk Bla, Đăk Psi 5, Đăk Psi, Plei Kần đang vận hành đã gây ngập úng, sạt lở đất, thiệt hại về tài sản hoa màu của người dân khu vực thượng lưu, hạ lưu. Dự án Thủy điện Đăk Re (huyện Kon Plông) do Công ty Cổ phần Thủy điện Thiên Tân làm Chủ đầu tư trong quá trình thi công đã gây sạt lở ruộng đồng của người dân.

“Trước những vấn đề nêu trên, Sở Công thương kịp thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn đề nghị chủ đầu tư cùng với địa phương và người dân kiểm tra hiện trường, thống kê thiệt hại, lập phương án bồi thường. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, tăng cường giám sát thực hiện nghĩa vụ bồi thường của chủ đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và không ảnh hướng đến hoạt động của các nhà máy”- ông Lê Văn Quang cho biết.

Để phát huy lợi ích của thủy điện vừa và nhỏ, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công thương cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường quản lý đối với các công trình hiện có, đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân; tăng cường kiểm tra, rà soát về công tác thẩm định dự án, quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và các yêu cầu về môi trường, nhất là với các dự án nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất; tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các chủ đầu tư không tuân thủ quy định trong quá trình đầu tư xây dựng, kể cả xem xét thu hồi quyết định chủ trương đầu tư, dừng thi công để khắc phục; phối hợp với ngành Điện đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải và hệ thống lưới điện đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đấu nối của các nguồn điện trên địa bàn tỉnh vào lưới điện quốc gia; tiếp tục dừng tham mưu UBND tỉnh xem xét chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung công trình thủy điện vừa và nhỏ vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch và phát triển thủy điện vừa và nhỏ cần đảm bảo hài hòa với lợi ích kinh tế, tác động môi trường và cuộc sống của người dân. Ảnh: T.H 

 

Có thể khẳng định, việc tận dụng tiềm năng, khai thác nguồn thủy điện vừa và nhỏ là hợp lý, mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực, hiệu quả phục vụ quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả đem lại từ việc đầu tư phát triển nguồn thủy điện này một cách hợp lý, tránh những hệ lụy xấu đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng bộ từ khâu quy hoạch, xây dựng đến khi vận hành, khai thác, đảm bảo việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách bền vững, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống con người.

Thùy Hương

Chuyên mục khác