Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhanh và bền vững

05/09/2023 06:05

Trong thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh tập trung lãnh đạo, đổi mới, sáng tạo trong hành động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy các tiềm năng, khai thác hiệu quả các nguồn lực từng bước đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Kon Tum hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế, đó là nằm trong khu vực “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Campuchia, là điểm kết nối quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây; địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp năng lượng; cảnh quan thiên nhiên đa dạng, bản sắc văn hóa các DTTS độc đáo tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Hiểu rõ những ưu thế khác biệt, lợi thế so sánh, những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh tập trung khai thác, phát huy tối đa lợi thế để góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển. Ảnh: TH

 

Trước hết, tỉnh đã tiến hành quy hoạch, định hướng và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn với các mô hình công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ dựa trên lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển bền vững ngành dược liệu trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, hướng tới đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và là trung tâm sản xuất duợc liệu lớn của cả nước; trong đó chú trọng phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và bảo vệ thương hiệu sản phẩm này. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển lâm nghiệp bền vững, khai thác hiệu quả kinh tế rừng. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người nông dân, đảm bảo kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ cho kinh tế.

Với chiến lược và giải pháp hiệu quả, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, rau hoa xứ lạnh, cây dược liệu; diện tích các loại cây trồng sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đạt khoảng 16.878,7ha; xây dựng 7 cánh đồng lớn. Tỉnh ta đã thu hút được 54 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng diện tích cho thuê là 12.011,8ha. Toàn tỉnh có 1.787,3ha trồng sâm Ngọc Linh, 5.702,3ha cây dược liệu khác; đồng thời, duy trì độ che phù rừng ở mức cao (ước đạt 63,12%).

Nông, lâm nghiệp phát triển đã tạo ra lợi thế cho ngành công nghiệp chế biến; do đó, suốt nhiều năm, đây vẫn là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh có 8 cơ sở chế biến tinh bột mì với tổng công suất thiết kế đạt 1.430 tấn/ngày; 1 doanh nghiệp sản xuất chế biến đường với công suất thiết kế khoảng 2.500 tấn/ngày; 11 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất đạt trên 60.000 tấn/năm; 10 cơ sở thu mua và chế biến cà phê nhân, 24 xưởng chế biến lâm sản và một số nhà máy chế biến rau củ. Việc phát triển công nghiệp chế biến đã giúp khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đưa hàng hóa của tỉnh vươn xa.

Công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp. Ảnh: TH

 

Cùng với đó, phát huy tiềm năng thủy điện, nguồn năng lượng tái tạo, những năm gần đây,  tỉnh ta tăng cường thu hút kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy thủy điện lớn, 9 nhà thuỷ điện liên tỉnh với Gia Lai và Quảng Ngãi, 29 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã đưa vào khai thác; 22 dự án điện mặt trời đã và đang hoàn thiện hồ sơ bổ sung quy hoạch; 1 dự án điện mặt trời đã đưa vào khai thác, 1 dự án đang triển khai đầu tư và 17 dự án đã lập hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực; 1 dự án điện sinh khối (50MW) đã hoàn thành hồ sơ bổ sung quy hoạch. Việc khai thác và phát triển công nghiệp năng lượng không chỉ đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế- xã hội, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh mà còn góp phần trong việc đảm bảo an ninh năng lượng khu vực, quốc gia.

Với thiên nhiên đa dạng, giữ được nét hoang sơ, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ được giữ gìn, phát huy, cùng với nhiều di tích, di sản văn hóa có giá trị là một lợi thế lớn để tỉnh khai thác, phát triển du lịch. Chính vì vậy, những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt quan tâm khai thác, phát huy lợi thế này để đưa “ngành công nghiệp không khói” phát triển. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình” và là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, các ngành, địa phương tập trung xây dựng Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn của “con đường xanh Tây Nguyên”, phát triển du lịch Cột mốc ba biên tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia, thu hút đầu tư khai thác các tuyến du lịch đặc thù gắn với bản sắc văn hoá của địa phương nhằm tạo sự khác biệt, đặc trưng riêng của du lịch Kon Tum. Vì thế, Kon Tum đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 1.047.200 lượt khách du lịch trong và ngoài nước, (trong đó có khoảng 2.166 lượt khách quốc tế), tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu ước đạt 410 tỷ đồng, tăng 82,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Với đường hướng đúng, ý chí quyết tâm cao, tinh thần đổi mới sáng tạo của các cấp, ngành và việc khai thác, tận dụng hiệu quả tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh đã góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh trong khu vực Tây Nguyên.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,5%; GRDP bình quân đầu người (cuối năm 2022) đạt 52,44 triệu đồng và trong 6 tháng đầu năm 2023 kinh tế của tỉnh đạt 6,8%, đứng thứ 22/63 tỉnh thành trên cả nước và đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, nông thôn mới ngày càng đổi mới; toàn tỉnh có 42/85 xã đã được công nhận đạt xã nông thôn mới, thành phố Kon Tum đã được Thủ tưởng Chính phủ công nhận đạt đô thị loại II (theo Quyết định số 12/QĐ-TTg, ngày 10/01/2023).

Có thể nói, việc xác định, nắm bắt và tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế của các cấp, ngành sẽ tiếp tục tạo động lực để kinh tế tỉnh ta tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra sự bứt phá đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững trên chặng đường mới.

Thiên Hương

Chuyên mục khác