23/03/2024 14:18
Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế về thủy điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Do đó, công nghiệp năng lượng là lĩnh vực được tỉnh quan tâm phát triển, nhằm khai thác và phát huy hiệu quả những lợi thế sẵn có, góp phần đưa ngành công nghiệp của tỉnh phát triển.
Theo đó, thời gian qua, tỉnh ta tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, triển khai xây dựng các công trình thủy điện, điện gió, điện mặt trời.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 82 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất lắp máy 879,1MW. Trong đó, có 30 công trình thủy điện đã hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng công suất là 348MW; 14 công trình đã khởi công xây dựng với tổng công suất 193,3MW; 16 công trình đang lập dự án đầu tư, hoàn thiện thủ tục pháp lý với tổng công suất 142,6MW; 20 dự án đã được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 187,9 MW; có 2 nhà máy thủy điện lớn là Plei Krông với công suất 100MW và Thượng Kon Tum với công suất 220MW đã hoàn thành, phát điện.
|
Ngoài ra, còn có các nhà máy thủy điện địa bàn liên tỉnh Kon Tum- Gia Lai gồm Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A đã hoàn thành đưa vào vận hành phát điện, hiện đang tiếp tục triển khai dự án Ia Ly mở rộng với 2 tổ máy, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. 3 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi là Đăk Đrinh, Đăk Re và Nước Long cũng đã hòa lưới điện quốc gia.
Trong những năm gần đây, công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đang từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả.
Theo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tiềm năng điện gió của tỉnh ta vào khoảng 6.287MW. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án nhà máy điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch và đang được tiến hành đầu tư gồm Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật- Đăk Glei và Nhà máy điện gió Kon Plông. Trong đó, Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật- Đăk Glei với công suất 50 MW đã hoàn thành việc xây dựng, đang vận hành thử nghiệm.
Đối với điện mặt trời, tỉnh ta có tiềm năng phát triển khoảng 18.702,4MW. Hiện tại, có 2 dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch gồm Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 công suất 49MWp đã hoàn thành xây dựng và đóng điện tháng 11/2020, Nhà máy điện mặt trời nổi KN Ialy Kon Tum công suất 200 MWp đang trong giai đoạn lập các thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.444 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được đưa vào vận hành, trong đó, có 159 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất đặt ≥100kWp và 1.285 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất đặt <100kWp với tổng công suất lắp đặt 161.196kWp, góp phần cung cấp điện sinh hoạt và đáp ứng một phần điện sản xuất cho người dân, các cơ sở sản xuất.
Hệ thống lưới điện cũng được quan tâm đầu tư cơ bản hoàn thiện với nhiều cấp điện áp từ 22 kV đến 500 kV. Nhờ đó, ngành sản xuất và phân phối điện của tỉnh có bước phát triển nhanh, đặc biệt là từ năm 2022 đến nay.
Theo đó, năm 2022, tổng sản lượng điện sản xuất của tỉnh ước đạt 3.300 triệu Kwh, chỉ số tăng trưởng của ngành sản xuất và phân phối điện so với cùng kỳ năm 2021 đạt 37,49%. Năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất của toàn tỉnh đạt 3.335 triệu Kwh, chỉ số phát triển của ngành này tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất đạt 277,34 triệu Kwh, chỉ số tăng trưởng của ngành này đạt 12,89%.
|
Ngành công nghiệp năng lượng đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của toàn ngành công nghiệp; giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số công trình, dự án năng lượng còn góp phần làm đa dạng các điểm đến, tăng sức hút, đưa du lịch của tỉnh phát triển.
Để khai thác hiệu quả lợi thế, đưa ngành này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Sở Công thương đang tập trung triển khai cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.
Mục tiêu phấn đấu điện thương phẩm đến năm 2030 là 1.638 triệu kWh, đến năm 2035 khoảng 2.790 triệu kWh và năm 2045 ước tính khoảng 4.545 triệu kWh; điện thương phẩm bình quân/người đến năm 2030 là 3.857 (kWh/người) và năm 2045 là khoảng 4.200 (kWh/người). Đồng thời, phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, bền vững đạt trình độ tiên tiến; độ tin cậy cung cấp điện năng, chỉ số tiếp cận điện năng trên địa bàn tỉnh đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh, phù hợp với tình hình phát triển điện lực tại địa phương và mục tiêu quốc gia; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng; đảm bảo khai thác, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 10% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Việc tỉnh ta tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng nhằm góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về các nguồn năng lượng tại địa phương, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thiên Hương